Lưỡi câu chùm và biến đổi khí hậu

Cập nhật: 13/09/2010
Chị Hoàng Minh Hồng, người Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực và nhóm 2041 (gồm 6 thành viên của đoàn Việt Nam tham gia chuyến thám hiểm quốc tế mang tên Hiệp ước Nam Cực vào tháng 11-2009, do tổ chức 2041 tổ chức) vừa đưa ra thông điệp kêu gọi tham gia Ngày hội Hành động Toàn cầu chống biến đổi khí hậu (BĐKH), diễn ra ngày 10-10-2010. Chị Hồng cho biết:

Đây là sự kiện do chiến dịch toàn cầu về BĐKH 350.org khởi xướng, kêu gọi cộng đồng trên toàn thế giới có những hành động đơn giản thiết thực tại chính quê hương mình, nhằm ứng phó BĐKH.

Năm nay, sự kiện này có tên là Ngày hội Hành động Toàn cầu (Global Work Party). Từ khi sự kiện được phát động đến nay, hàng ngàn tập thể từ hơn 140 quốc gia đã đăng ký trên website 350.org (con số này sẽ tiếp tục tăng lên cho tới ngày 10-10), với những hoạt động như lắp tấm thu năng lượng mặt trời, trồng cây, đạp xe diễu hành, và rất nhiều ý tưởng khác để cùng đóng góp vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng về khí hậu đang diễn ra.

Các thành viên của nhóm 2041 tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực vào tháng 11-2009. 

Thưa chị, những đăng ký đến từ Việt Nam có nhiều không?

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, vậy mà tới nay mới có hơn 10 sự kiện được đăng ký chính thức từ Việt Nam, trong khi nước ta là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. Đừng nghĩ BĐKH là vấn đề quá lớn chúng ta sẽ chẳng làm được gì, và cũng đừng tin vào một điều kỳ diệu nào hay chờ đợi Ngân hàng Thế giới đến cứu. Chính chúng ta phải bắt tay vào việc. Và ngày 10-10 sắp tới sẽ là dịp đó.

Nhưng dường như nhiều người vẫn cho rằng BĐKH là chuyện xa xôi, trong khi tư duy nước đến chân mới nhảy đang hiện hữu?

BĐKH đang thật sự diễn ra trên toàn thế giới. Riêng trong mùa hè năm nay, thế giới đã chứng kiến những thay đổi rõ rệt về khí hậu, gây ra những thảm họa tự nhiên chưa từng có như trận lũ kinh hoàng ở Pakistan, lở đất ở Trung Quốc, đợt nóng lịch sử và cháy rừng ở Nga, khối băng khổng lồ tách ra từ đảo Greenland. Việt Nam cũng vừa trải qua một mùa hè nóng chưa từng thấy, và hứa hẹn một mùa bão lũ khắc nghiệt.

Chị đã tận mắt thấy Nam Cực, điều gì khiến chị thay đổi nhận thức về BĐKH?

Chúng tôi phải đeo kính bởi lỗ thủng ozon ở Nam Cực rất lớn. Băng ở Nam Cực tan nhanh, tôi đã nhìn thấy tảng băng bị tan, người ta nói có những tảng băng lớn bằng cả châu Âu cũng bị tách đôi ra. Thành phần của đoàn đi rất đa dạng, từ những ông tiến sĩ đến cả những kẻ ăn cắp, ăn trộm đã hoàn lương. Họ đã cố tình chọn như vậy với tiêu chí càng đa dạng càng tốt.

Trong đoàn có 4 người nghiện heroin 6 - 7 năm. Song tất cả chúng tôi đưa ra một thông điệp, chúng tôi giống như một thế giới thu nhỏ. Sau chuyến đi tôi nhận ra một điều, chẳng có cái gì xấu hoàn toàn và cũng chẳng có gì tốt hoàn toàn. Nó làm tôi thay đổi tư duy của mình là phải nhìn vấn đề từ nhiều phía. Mọi người đều phải bảo vệ môi trường chứ không phải chỉ những tổ chức chuyên bảo vệ môi trường hay nhà nước. Mối đe dọa lớn nhất là ai cũng có suy nghĩ: sẽ có ai đó đứng ra bảo vệ môi trường chứ không phải mình.

Ngày 10-10 là dịp diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chị hy vọng thông điệp của nhóm 2041 sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ ở Thủ đô?

Nhóm 2041 Việt Nam hy vọng sẽ có nhiều đơn vị ở Hà Nội tham gia ngày hội này, vì đó là hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm ngày lễ trọng đại của Thủ đô. Tôi muốn mọi người hiểu rằng chỉ một thói quen vô thức cũng có thể khiến tình trạng BĐKH thêm xấu đi. Bạn có thể tham gia chỉ bằng một việc đơn giản nhất, ví như đừng xả rác ra đường khi đi dự lễ hội.

Xin hỏi chị một câu hơi lạc đề, chị nghĩ gì về việc cụ Rùa hồ Gươm bị dính câu chùm và người ta đang loay hoay không biết bảo vệ cụ Rùa như thế nào?

Việc cụ Rùa bị dính câu chùm hay nước hồ Gươm ô nhiễm chứng tỏ, để đi đến nhận thức và hành động tích cực chống BĐKH thì còn gian nan lắm. Một linh vật đã đi vào truyền thuyết như cụ Rùa, một cái hồ đã đi vào tâm thức của Thăng Long như hồ Gươm mà không bảo vệ được như mong muốn thì nói gì đến những chuyện xa xôi như băng tan ở Nam Cực. BĐKH có vẻ như đang thể hiện ngay trong lòng Hồ Gươm đấy thôi.

Nhưng BĐKH không có câu chuyện những lưỡi câu chùm?

Tôi nghĩ những lưỡi câu chùm là vấn đề nhận thức. Khi chưa có ý thức về bảo vệ môi trường sinh thái, người ta quăng câu chùm ngay giữa hồ Gươm.

Phùng Nguyên/TP

 

Nguồn: Diễn đàn các nhà báo môi trường VN