Tôi đã hàng chục lần qua lại Hải Vân và không ít lần cảm thấy xấu hổ khi xe chở khách du lịch chưa kịp dừng bánh, đã có hàng chục người bu bám, chèo kéo khách mua hàng lưu niệm, không ít du khách sợ không dám xuống xe…
Tuyến du lịch nhiều tiềm năng
Nằm giữa hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng, đèo Hải Vân từ xưa đến nay vẫn được coi là quan ải hiểm trở nhất trên con đường thiên lý Bắc-Nam:
“Đi bộ thì sợ Hải Vân
Đi thuỷ thì sợ sóng thần Hang Dơi"
Là một mạch núi của Trường Sơn Bắc đâm ngang ra biển với rất nhiều ngọn núi cao chập trùng nối nhau, mà ngọn cuối cùng là Hải Vân cao 1.170m, tạo nên một bức tranh kỳ vĩ của tự nhiên hoà quyện giữa đất, trời, núi non và biển cả. Chính vì vậy, trong hành trình mỡ cõi trời Nam, đèo Hải Vân vừa là nỗi quan ngại, vừa là niềm thôi thúc các thế hệ người Việt chiêm ngưỡng khám phá vẻ đẹp hoành tráng của nó.
Đường đèo Hải Vân
Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) trong một chuyến kinh lý vào Xứ Quảng, dừng chân trên đỉnh Hải Vân ngắm phong cảnh đã phải thốt lên "Đệ nhất hùng quan" và cho khắc vào bia đá dựng trên đỉnh Hải Vân, đồng thời cảm tác nên bài thơ nổi tiếng "Ái Lĩnh Xuân Vân" trong đó có bốn câu:
"...Vào Nam ải hiểm là đây
kém gì đường Thục non xây chập trùng
Ngước lên đỉnh núi mây lồng
Hay đâu người ở tận cùng trời xanh...".
Còn trong sách “Phủ biên Tạp Lục” của Lê Quí Đôn, thì miêu tả chi tiết hơn “…Hải Vân Quan ở huyện Tư Vang, trên lên tận trời xanh, dưới xuống tận biển cả, là đất cổ họng của Thuận Quảng, có đồn canh và tuần ty, trên từ Yên Nguyên, dưới đến Ô Rô đều khám xét…”.
Trên đỉnh đèo Hải Vân, còn có di tích Hải Vân Quan được xây dựng từ thời vua Minh Mạng thứ 17 (1826). Cổng trước quan ải này đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa sau vẫn còn tấm bia khắc sáu chữ mà vua Minh Mạng đề tặng cho Hải Vân "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Ngày xưa đây là cửa ải thông thương Nam - Bắc, nhưng cũng là phòng tuyến trấn giữ nghiêm ngặt phía Nam của Kinh thành Huế, với đồn canh kiên cố được gọi là Đồn Nhất xây dựng năm 1826 thời Minh Mạng. Cũng nhờ phòng tuyến đặc biệt trên Đèo Hải Vân mà năm 1859 sau khi đánh chiếm Đà Nẵng, quân Pháp tiến ra kinh thành Huế nhưng bị chặn đứng ở Hải Vân Quan, viên trung tá chỉ huy quân Pháp - Dupre Deroulede tử trận tại phòng tuyến này. Vì vậy, từ lâu Hải Vân không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, mà còn là chứng tích văn hoá, lịch sử đặc sắc của vùng đất Thuận - Quảng.
Ngày nay, 20km đường đèo Hải Vân, với gần 60 đoạn cua gấp khúc không chỉ là đoạn đường huyết mạch vào Nam, ra Bắc, mà còn là tuyến đường tham quan khám phá hấp dẫn của đông đảo du khách bốn phương. Đặc biệt, ngày nay Hải Vân lại nằm trên trục chính của tuyến du lịch di sản miền Trung, sát hai bên là hai cụm du lịch lớn, bên này Lăng Cô-Bạch Mã, bên kia Sơn Trà-Đà Nẵng, nên lượng du khách thăm thú thưởng ngoạn Hải Vân ngày càng đông.
Đứng trên Hải Vân Quan, du khách có thể phóng tầm nhìn về phía Bắc ngắm bức tranh sơn thuỷ hữu tình Lăng Cô - Bạch Mã ẩn hiện trong mờ ảo sương giăng. Nhìn về phía Nam, tấp nập trên bến dưới thuyền sầm uất với những công trình thế kỷ đã và đang được xây dựng. Đặc biệt, có dịp đứng trên Hải Vân Quan vào ban đêm, nhìn về Đà Nẵng hay Lăng Cô, ta như lạc vào bức tranh huyền ảo của miền cổ tích.
Thế mạnh bị bỏ quên
Lâu nay các tour du lịch đến Hải Vân chủ yếu là tự phát mạnh ai nấy làm. Phía Đà Nẵng chỉ mới có dự án xây dựng khu du lịch dã ngoại Nam Hải Vân của Công ty Tôn Đà Nẵng, nhưng cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do nguồn lực tài chính có hạn, năng lực quảng bá tiếp thị yếu. Phía Thừa Thiên - Huế mới có thêm tour tham quan hầm đường bộ của Ban Quản lý hầm đường bộ Hải Vân kết hợp với du lịch Huế, còn lại hầu như thả nổi.
Thực tế từ khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào hoạt động, lượng khách bộ hành qua Hải Vân không còn tấp nập như xưa, nhưng lượng du khách quốc tế đến Hải Vân ngày càng tăng cao. Đỉnh Hải Vân Quan hàng ngày vẫn tấp nập nhộn nhịp người mua kẻ bán, tham quan thưởng ngoạn như một góc phố thị với nhiều loại hình dịch vụ được hình thành phục vụ du khách. Thế nhưng từ đây cũng nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc, đó là nạn ăn xin, đeo bám bán hàng ngày càng gia tăng, đang là nỗi lo lắng của khách bộ hành khi qua đây.
Tôi đã hàng chục lần qua lại Hải Vân và không ít lần cảm thấy xấu hổ khi xe chở khách du lịch chưa kịp dừng bánh, đã có hàng chục người bu bám, chèo kéo khách mua hàng lưu niệm, không ít du khách sợ không dám xuống xe. Tình trạng kinh doanh tự phát cũng đang biến đỉnh Hải Vân hiện nay tành một bãi rác thải, không có người thu dọn, đang làm xấu hình ảnh “đệ nhất hùng quan” trong mắt du khách.
Có thể nói Hải Vân Sơn là tuyệt tác có một không hai mà thiên nhiên ban tặng. Ai đã một lần có dịp dừng chân trên Hải Vân Quan không thể nào quên được cảm giác lâng lâng như đứng trên mây, lượn trên đầu sóng biển, cảm nhận hết sự kỳ vỹ hoành tráng của “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi trước những gì đang diễn ra hàng ngày trên thắng cảnh đặc sắc này. Một tài nguyên du lịch độc nhất vô nhị nhưng lâu nay chưa được quan tâm đầu tư khai thác hợp lý./.
Ngô Minh Thuyên