Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tính đến thời điểm đầu tháng 9/2010, trên sông Hương đoạn từ khu vực cầu Bạch Hổ đến cầu Tuần đã có 19 bãi tập kết cát sạn, với hàng chục điểm khai thác di động, cố định; trong đó, có nhiều điểm khai thác cát sạn cận kề di tích, hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, gây tác động xấu đến môi trường và cảnh quan di tích đôi bờ sông.
Tiêu biểu là các bãi tập kết cát sạn khu vực Bến Than (trước mặt Điện Huệ Nam), khu vực gần cầu Lâm Nghiệp thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ lăng Cao Hoàng, bãi tập kết cát sạn trong khu vực I thuộc khu vực bảo vệ di tích Văn Miếu, Võ Miếu…Mặt khác, các phương tiện chuyên chở cát sạn trên đường bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng quốc lộ 49 mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tuyến du lịch đường bộ dọc sông Hương (từ Huế lên Lăng Thiệu Trị - Điện Huệ Nam – Lăng Minh Mạng).
Trước tình trạng trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Giao thông Đường thủy (Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế), Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thừa Thiên - Huế tiến hành đình chỉ bãi tập kết cát sạn của Ông Nguyễn Văn Tý tại thôn An Bình, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà. Bãi cát sạn này được lập trái phép trong khu vực I, khu vực bảo vệ di tích Văn Miếu, Võ Miếu thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế. Nhiều bãi cát sạn khác của các đối tượng Mai Thới (trú tại phường Phú Bình, thành phố Huế), Hồ Thị Chát (trú tại khu vực 5 phường Phú Bình) và Phạm Kỳ, trú tại 6/14 Xuân 68, phường Thuận Thành, thành phố Huế...cũng vừa được giải toả. Tuy nhiên, việc giải toả này cũng chỉ mang tính chất tạm thời, vì khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì các điểm nói trên tạm ngưng hoạt động, sau kiểm tra thì mọi chuyện lại đâu vào đó.
Hiện, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi giới thiệu về Luật Khoáng sản và Luật Di sản văn hóa cho các tàu thuyền khai thác cát sạn trên sông Hương. Đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm ban hành quy hoạch chi tiết các khu vực được phép khai thác cát sạn dọc theo sông Hương và các chi lưu, phụ lưu từ cầu Bạch Hổ đến khu vực lăng Gia Long theo hướng hạn chế về số lượng, tránh xa các khu vực di tích, thắng cảnh. Đình chỉ điểm khai thác cũng như bãi tập kết khai thác cát sạn khu vực Bến Than (đối diện điện Huệ Nam), khu vực Lăng Cơ Thánh thuộc địa bàn xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.
Cảnh quan đôi bờ sông Hương được UNESCO khuyến nghị bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là các điểm di tích dọc sông Hương thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần chủ động tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra kiểm soát trên địa bàn về việc khai thác khoáng sản, đất đá, cát sỏi; chỉ đạo chính quyền cơ sở tăng cường trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, không để xảy ra trường hợp khai thác, tập kết đất, đá, cát, sỏi trái phép làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, cảnh quan môi trường, công trình di tích văn hóa, cơ sở hạ tầng…trên địa bàn...