Hướng cải thiện môi trường làng nghề sản xuất đồ gỗ Bắc Ninh

Cập nhật: 29/09/2010
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Bắc Ninh đang ngày càng mở rộng. Hiện nghề thủ công này không chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống thuộc xã Đồng Quang (cũ), Hương Mạc, Phù Khê (Từ Sơn); Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh)…
Phát triển ra các địa phương khác như Tam Sơn (Từ Sơn), Quảng Phú (Lương Tài), Vạn Ninh (Gia Bình)…
Sự phát triển của ngành nghề này đã mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân và trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của các địa phương trên. Nhưng do tác động của quá trình phát triển mở rộng quy mô sản xuất, vần đề môi trường tại các khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp và suy thoái, điển hình là môi trường làng nghề Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn).
Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ là địa phương chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực này, thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Quy mô sản xuất của các hộ gia đình, HTX, Công ty trong làng nghề có sự khác nhau. Gỗ là nguyên liệu cơ bản cho quá trình sản xuất, gồm các loại gỗ có giá trị cao thuộc nhóm quý hiếm như gụ, trắc, mun, lim, hương… trong đó nhiều nhất là gỗ trắc, hương và gụ, đặc biệt còn có cả pơmu. Trong quá trình sản xuất còn sử dụng nhiều nguyên vật liệu và hoá chất khác như keo (cồn), bột đắp, giấy ráp, và đối với sản phẩm hoàn thiện còn dùng thêm cả sơn, dung môi và vecni. Các loại chất thải phát sinh trong sản xuất gồm chất thải rắn như gỗ vụn, mùn cưa, giấy ráp thải. Đặc biệt bụi, hơi các dung môi hữu cơ phát sinh nhiều nhất là nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường không khí. Cắt xẻ, pha gỗ nguyên liệu và đánh bóng gia công bề mặt là những công đoạn phát sinh nhiều bụi nhất. Nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 1,0-1,67 lần. Nhìn chung bụi từ các máy cưa xẻ, pha gỗ có kích thước lớn thường dễ lắng. Bụi từ các máy chà, máy đánh giấy ráp có kích thước nhỏ và dễ phân tán nên là nguồn gây ô nhiễm bụi đáng quan tâm nhất không chỉ đối với vị trí sản xuất mà còn đối với môi trường không khí xung quanh của làng nghề.
Mặt khác hơi dung môi hữu cơ phát sinh trong quá trình sản xuất, đặc biệt là ở các khâu đánh thuốc (sơn hoặc đánh vec ni) hoàn thiện sản phẩm cũng ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí. Nồng độ Axeton cao hơn môi trường nền từ 0,214-0,248 mg/m3; butyl axetat cao hơn môi trường nền 0,2-0,3 mg/m3. Nồng độ chất hữu cơ (THC) không những cao hơn môi trường nền mà còn vượt TCCP nhiều lần (từ 23,4 - 26,1 lần). Chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất chủ yếu là các mùn gỗ, đầu mẩu… đa số lượng chất thải này được tận dụng lại làm nhiên liệu đun nấu hoặc các chi tiết nhỏ hơn. Song tổng lượng chất thải rắn tại đây hiện nay khoảng 19 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải rắn công nghiệp là 8,5 tấn/ngày, chiếm khoảng 48%.
Từ việc phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường tại làng nghề sản xuất đồ gỗ Đồng Kỵ cho thấy ô nhiễm môi trường không khí ở những làng nghề chế biến gỗ đã đến mức báo động. Nhằm khắc phục tình trạng suy thoái, từng bước cải thiện chất lượng môi trường của các làng nghề sản xuất gỗ cũng như các vùng lân cận, đi đôi với các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp và công nghệ để xử lý ô nhiễm. Do đặc thù khí, bụi thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các làng nghề chế biến gỗ chủ yếu phát sinh từ các loại máy cưa, máy bào, máy phay, tiện, đánh bóng… và từ quá trình sơn làm bóng bề mặt sản phẩm. Nên các cơ sở sản xuất có sử dụng hệ thống máy cưa, máy bào, máy đánh bóng phải lắp đặt hệ thống hút bụi thông qua hệ thống lọc bụi tay áo. Đối với những cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có sử dụng các loại sơn làm bóng bề mặt sản phẩm và sơn phủ bề mặt phải đầu tư xây dựng hệ thống buồng phun sơn trên màng nước tuần hoàn thu hồi và xử lý triệt để hơi dung môi hữu cơ thông qua hệ thống thiết bị hấp phụ sơn và dung môi hữu cơ bằng than hoạt tính.
Nguồn: monre.gov.vn