''Cứu'' môi trường Thủ đô, cách nào?

Cập nhật: 30/09/2010
Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội hiện đang có xu thế gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là đối với chất thải rắn, nước thải và không khí ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Các nhà khoa học và chuyên gia về môi trường đang bàn cách "cứu" môi trường Thủ đô.

Môi trường ngày càng ô nhiễm

Theo Thạc sỹ Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn thành phố Hà Nội hiện nay ước tính khoảng 5.000 tấn/ngày, trong đó khoảng 3.500 tấn chất thải sinh hoạt đô thị và khoảng 1.500 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Hiện công cụ, phương tiện, nhân lực, phương thức thu gom vận chuyển chất thải rắn còn hạn chế, chưa triệt để nên còn rác thải tồn đọng ở đô thị cũng như ở nông thôn, nhiều bãi chôn lấp rác ở vùng nông thôn không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường. Ba trong năm bãi chôn lấp rác của thành phố sắp lấp đầy, như vậy việc thiếu bãi chôn lấp rác là một khó khăn rất lớn trong việc xử lý chất thải rắn.
GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết, tỷ lệ diện tích cây xanh của Hà Nội còn quá nhỏ bé so với yêu cầu của một đô thị xanh. Ở các khu vực xây dựng hay sửa chữa đường sá thì nồng độ bụi gấp 5 - 7 lần, thậm chí có nơi trên 10 lần quy chuẩn cho phép. Ô nhiễm không khiở́ các đường phố, khi bị tắc nghẽn giao thông, có thể tăng lên gấp 2 - 3 lần so với mức độ ô nhiễm khi bình thường. Bên cạnh đó, môi trường mặt nước ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng. Ngày xưa, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ vốn là cảnh quan thiên nhiên rất đẹp của Hà Nội, nay đã biến thành kênh thoát nước thải chưa được xử lý, các chất ô nhiễm hữu cơ vượt quy chuẩn cho phép, mặt nước biến thành màu đen, bốc mùi hôi khó chịu.
Thạc sỹ Phạm Văn Khánh cũng chung nhận định, Hà Nội được mệnh danh là thành phố của các sông hồ, có nhiều dòng sông chảy qua. Môi trường sông nước đang chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động động kinh tế - xã hội như sự ra đời của hàng loạt các khu đô thị, các khu công nghiệp cùng với các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và chất thải bệnh viện, các khu dân cư đông đúc, các làng nghề… Nước thải ô nhiễm của các hoạt động đó hầu như chưa được xử lý và đổ thẳng ra sông, hồ khiến chất lượng môi trường nước sông biến đổi theo chiều hướng tiêu cực và bị ô nhiễm ngày một tăng cao.

Cách nào để "cứu" môi trường Thủ đô?

Xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là vấn đề rất quan trọng, coi việc đầu tư cho bảo vệ môi trường như đầu tư cho phát triển sản xuất. Về các giải pháp cứu môi trường Hà Nội, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho hay, cần tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp kinh tế và các biện pháp KHCN tiên tiến trong bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp xử lý đối với từng lĩnh vực, như đối với chất thải rắn, xử lý nước ô nhiễm, không khí ô nhiễm.
Thành phố đã nhìn thấy vấn đề môi trường, đã đánh giá đúng thực trạng đó và xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án và những giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường và cải thiện một bước cảnh quan môi trường, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội để có được Thủ đô xanh - sạch - đẹp, thiết thực kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn: www.ktdt.com.vn