Ô nhiễm môi trường tại vịnh biển Lăng Cô

Cập nhật: 06/10/2010
Trên dưới 30 năm nay, hàng chục lò vôi hàu của gần 200 hộ dân ở thôn An Lập (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn đêm ngày hoạt động, khiến nơi đây chìm trong khói bụi, chất thải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, việc sản xuất vôi hàu ở Lăng Cô đứng đầu trong số 9 làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, cần phải chấn chỉnh và sắp xếp lại. Năm 2004, tỉnh đã có lệnh cấm khai thác và sản xuất vôi hàu nhưng đến nay người dân Lập An vẫn bám lấy nghề độc hại này dù biết rằng sẽ phải đối mặt với những căn bệnh nguy hiểm. Và cũng từng ấy năm trôi qua, chính quyền Thừa Thiên - Huế vẫn chưa có một phương án hữu hiệu nào để chấm dứt tình trạng này.
Thôn Lập An trước đây có 20ha đất nông nghiệp nhưng do quy hoạch phát triển du lịch tuyến Chân Mây - Lăng Cô nên bị thu hẹp chỉ còn khoảng 5ha. Kế đến là một loạt các dự án du lịch, tái định cư… nối tiếp nhau đã dần xén hết những phần đất sản xuất bởi vậy, người dân Lập An nay chỉ biết bấu víu vào cái nghề làm vôi độc hại. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Lăng Cô và đảm bảo sinh kế cho người dân, chính quyền thị trấn Lăng Cô đã giải quyết cho 20 hộ dân vay vốn từ 7 - 15 triệu đồng để chuyển đổi nghề nhưng ngoài nuôi trồng thủy sản, người dân không biết chuyển sang nghề gì, trong khi đó diện tích mặt nước ở đây gần như đã hết. Nhiều phương án khác như chuyển một số hộ sang kinh doanh buôn bán và giao đất để bà con trồng rừng, hay di dời những lò nung vôi sang phía Bắc đèo Phú Gia… nhưng đều không thực hiện được do thiếu kinh phí.
 

Nguồn: Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam