Ở Thừa Thiên - Huế, nhiều người có thói quen là thứ gì cũng có thể vứt xuống sông, vô tình biến các dòng sông thành bãi rác công cộng. Riêng tại thành phố Huế, có khoảng 50 điểm xả nước thải trực tiếp ra sông, đó là chưa kể đến các hộ dân sống ven sông, các hộ dân vạn đò.
Thực trạng trên một trong những nguyên nhân làm cho hầu hết các con sông ở Thừa Thiên - Huế đều trong tình trạng bị ô nhiễm nặng. Dạo qua các con sông như An Cựu, Ngự Hà, Như Ý, Đông Ba, Bạch Yến và cả sông Hương... đủ loại rác rưởi, có nơi phủ kín mặt sông. Những khi mưa to, nhiều gia đình sống ở gần sông còn tranh thủ thả từng bao rác theo rãnh thoát nước chảy ra sông. Vì bị rác ngăn cản dòng chảy nên lòng sông không được lưu thông và ngày càng hẹp lại, cạn dần. Sông Ngự Hà nay chứa đầy bèo Nhật Bản, không còn là hệ thống thoát nước lý tưởng của Cố đô Huế như xưa. Chợ Đông Ba, một trung tâm buôn bán lớn của thành phố Huế, hàng ngày có bao nhiêu nước thải, rác thải đều tuồn hết ra sông Hương... Các con sông quê cũng trong tình trạng ngập rác, "dùng dằng" không chảy như sông Cầu Hai, sông Truồi (huyện Phú Lộc). Chỉ một đoạn qua xã Lộc An, Lộc Điền mà con sông Truồi phải chứa đựng vô số rác thải ở chợ Truồi trút xuống. Phía thượng nguồn của sông đoạn qua thôn Lương Điền Thượng, Đồng Xuân (Lộc Điền) là hoạt động khai thác cát sạn làm sạt lở đôi bờ sông. Phía hạ nguồn qua khu vực thôn Xuân Lai, nơi sinh ra nghề chế biến tinh bột sắn của xã Lộc An. Tại đây có hơn 30 hộ theo nghề, hầu hết các cơ sở đều sản xuất thủ công, mọi cặn bã, nước thải đều tống trực tiếp xuống sông Truồi.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thừa nhận, lâu nay nhiều con sông quê chưa được quan tâm làm sạch đẹp như xây kè, nạo vét với những đợt ra quân của cộng đồng vớt bèo, khơi thông dòng chảy... Trong kế hoạch xây dựng bảo vệ môi trường năm 2010 và những năm sau này, Chi cục có tính đến phương án cho các địa phương quan tâm đầu tư, thu gom xử lý rác thải ở nơi công cộng, địa bàn dân cư và làm sạch đẹp các nhánh tuyến sông quê. Tuỳ theo mức độ mỗi dòng hay nhánh lưu chi sông ở mỗi địa phương mà có kế hoạch xây kè, khơi thông, nạo vét làm sạch dòng sông. Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế đã dùng thuyền mỗi ngày thu gom khoảng 15 tấn rác trên các sông ở thành phố Huế. Tuy vậy, tình trạng sông nhiễm bẩn không thế khắc phục được vì việc làm trên chỉ như "muối bỏ bể". Vấn đề chính bây giờ là thay đổi cách nghĩ của cả cộng đồng dân cư, đừng xem các dòng sông như nơi xả rác công cộng.
Quốc Việt