Trước tình hình suy thoái môi trường và suy giảm nguồn lợi, từ năm 2001, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã hỗ trợ cộng đồng địa phương xã Vạn Hưng xây dựng và triển khai dự án thí điểm “Xây dựng Khu bảo tồn biển Rạn Trào” do địa phương quản lý nhằm quản lý và bảo tồn tốt hệ sinh thái rạn san hô ven bờ qua đó phục hồi lại nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cải thiện đời sống của người dân. Năm 2004, khi dự án này kết thúc, chính quyền và người dân địa phương vẫn tiếp tục duy trì và giữ vững những thành quả của dự án bằng chính nguồn lực của địa phương tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, tổ chức MCD tiếp tục tìm kiếm và kết nối với một số dự án khác để hỗ trợ địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản và rạn san hô.
Lấy cộng đồng địa phương làm mấu chốt
Khu bảo vệ Rạn Trào nằm trong khu vực biển có tổng diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 89 ha, trong đó vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 54 ha. Khu bảo vệ (KBV) được quản lý bởi chính người dân địa phương với sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các cơ quan khoa học. Trực tiếp bảo vệ KBV là các thành viên cộng đồng, do chính cộng đồng bầu chọn.
Sau 9 năm triển khai, đến nay quá trình xây dựng và vận hành Khu bảo vệ Hệ sinh thái biển Rạn Trào đã trải qua hoàn thiện 01 chu trình QLTHVB (chu trình 6 bước do PEMSEA đề xuất) và đang trong quá trình thực hiện chu trình thứ 2. Cụ thể: Chu trình lần 1 gắn liền với quá trình thực hiện Dự án “Khu bảo tồn biển Rạn Trào” và bàn giao Khu bảo vệ Rạn Trào cho chính quyền địa phương; Chu trình lần 2 gắn liền với quá trình xây dựng Hồ sơ pháp lý và triển khai Kế hoạch quản lý.
Về nguồn lợi: Nhìn chung, mặc dù độ phủ san hô ở khu vực Rạn Trào không tăng lên nhiều lắm, nhưng nguồn lợi sinh vật rạn san hô ở khu vực này đã tăng lên đáng kể. Các dữ liệu thu được từ các cuộc điều tra kinh tế-xã hội về nhận biết của ngư dân và các thành viên cộng động khác về sự thay đổi sản lượng khai thác thủy sản ở địa phương cho thấy có sự nhận thức tích cực của người dân địa phương về tác động của khu bảo vệ biển đối với sự phục hồi nguồn lợi biển.
Về nhận thức: Kết quả của các cuộc điều tra năm cho thấy, mức độ tham gia của người dân trong khu vực xã Vạn Hưng trong các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi cũng như hiểu biết các hoạt động đó rất tốt so với các xã khác trong vịnh Vân Phong. Ý thức gìn giữ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản tại vùng dự án được nâng cao, nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi biển của đại bộ phận nhân dân được nâng cao rõ rệt. Người dân đã có ý thức trong việc vệ sinh môi trường biển và đất liền, không xả chất thải sản xuất và sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường.Tình trạng khai thác thuỷ sản bằng các hình thức huỷ diệt cơ bản đã được xoá bỏ. Vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ Rạn Trào cũng đã được người dân nhận thức rõ ràng hơn.
Đặc biệt vai trò của phụ nữ trong cộng đồng đã có những biến chuyển đáng kể, từ khi thành lập KBV thông qua việc tham gia tích cực hơn trong các hoạt động liên quan đến KBV và có tiếng nói nhiều hơn trong các quyết định liên quan đến cộng đồng.
Về tổ chức: Ban quản lý KBV Rạn Trào, Ban quản lý Trung tâm giáo dục môi trường cộng đồng, các nhóm cộng đồng chuyên trách (bảo vệ; tuyên truyền; du lịch sinh thái CĐ) đã được thành lập và hoạt động trong suốt 9 năm qua, và cũng đã được củng cố, kiện toàn trong một số thời kỳ. Cơ chế điều phối, hợp tác với các cơ quan hữu quan từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã cũng như với các địa phương khác được xây dựng và triển khai, là nguyên tắc căn bản để vận hành và duy trì KBV Rạn Trào cho đến nay.
Về nghiên cứu: Kể từ khi được thành lập và vận hành cho đến nay, Khu bảo vệ Hệ sinh thái biển Rạn Trào đã trở thành một điểm nghiên cứu được nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên (cả tốt nghiệp và cao học), các cơ quan, tổ chức quan tâm. Đã có khoảng 14 nghiên cứu được triển khai ở đây. Từ những kết quả nghiên cứu và đánh giá này, cơ sở dữ liệu cho KBV Rạn Trào cũng đã được xây dựng như danh mục các loài thủy sinh, hồ sơ cộng đồng…, qua đó đóng góp tích cực vào công tác quản lý tài nguyên ven bờ của huyện Vạn Ninh.
Về tăng cường năng lực: Đã có khoảng 35 sự kiện tập huấn, đào tạo được tổ chức với sự tham gia của khoảng 796 lượt người, gồm các cán bộ và người dân địa phương về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi, thực thi quy chế, phát triển sinh kế và kinh doanh. Bên cạnh đó, các cán bộ và người dân tham gia trong công tác quản lý KBV Rạn Trào còn được tạo cơ hội để được giao lưu, học hỏi với các địa phương khác thông qua các chuyến tham quan thực tế, tham gia trình bày Hội thảo từ cấp quốc gia đến cấp quốc tế, vùng.
Nhưng vẫn còn thách thức
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng mô hình KBV HST biển Rạn Trào vẫn gặp phải những hạn chế, khó khăn nhất định, đặc biệt khi đây còn được coi là mô hình trình diễn đầu tiên ở Việt Nam về QLTHVVB cấp cơ sở. Đó là:
Tính pháp lý của Khu bảo vệ Rạn Trào: do trong chu trình đầu tiên quá tập trung vào việc thành lập Khu bảo vệ, tổ chức cộng đồng nên mặc dù Khu bảo vệ Rạn Trào được ra mắt từ năm 2002 nhưng chưa có tính pháp lý, chưa được sự công nhận chính thức của chính quyền cấp tỉnh. Chính điều này cũng đã làm hạn chế tính hiệu quả trong điều phối với các cơ quan hữu quan địa phương thực thi quy chế bảo vệ Rạn Trào dựa vào cộng đồng. Đến chu trình thứ hai, khi tính pháp lý của Khu bảo vệ đã được xác lập với sự công nhận của UBND tỉnh Khánh Hòa và quyết định thành lập chính thức Khu bảo vệ Hệ sinh thái biển Rạn Trào của UBND huyện Vạn Ninh. Tuy vậy thách thức đặt ra chính là sự công nhận ở cấp quốc gia khi mà mối quan tâm của các chính sách chỉ dành cho các Khu bảo vệ quy mô lớn.
Tính kế thừa: trong quá trình vận hành Khu bảo vệ Rạn Trào đã có sự thay đổi vị trí lãnh đạo đứng đầu ở cấp huyện, cấp xã. Sự thay đổi này đã dẫn đến sự kế thừa không đầy đủ những sáng kiến của toàn bộ quá trình và đã gây những ảnh hưởng nhất định đến những thành quả của dự án mặc dù về cơ bản thành phần và lực lượng nhân sự trong cơ cấu quản lý, tổ chức vẫn được duy trì.
Hệ thống cơ sở dữ liệu: mặc dù đã có khá nhiều những điều tra, đánh giá và nghiên cứu trong khu vực tuy nhiên những dữ liệu, thông tin thu thập được chưa được lưu giữ một cách có hệ thống. Nguyên nhân là trong cơ cấu quản lý Khu bảo vệ chưa có bộ phận chuyên trách đảm nhiệm việc thu thập và lưu giữ thông tin, bên cạnh đó các hoạt động quản lý chỉ chú trọng vào việc triển khai trên thực địa mà chưa quan tâm đến các thông số khoa học.
Tổ chức điều phối giữa các cơ quan chức năng: với vai trò lãnh đạo trong Ban quản lý KBV Rạn Trào, UBND huyện Vạn Ninh là đơn vị chủ trì điều phối chính. Tuy nhiên nhận thức và năng lực về QLTHVVB của các cơ quan và các bên liên quan từ cấp tỉnh đến huyện, xã còn chưa đầy đủ, do vậy hiệu quả điều phối gặp nhiều khó khăn dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ cấp tỉnh cũng như lồng ghép các hoạt động quản lý KBV trong hoạt động quản lý chung của địa phương.
Bài học kinh nghiệm
Các hạt nhân địa phương: Đây là một trong những yếu tố then chốt để triển khai QLTHVVB. Thông qua mô hình KBV Rạn Trào, các hạt nhân địa phương đã được lựa chọn và tạo thành 01 mạng lưới hạt nhân địa phương, họ chính là các cán bộ, người dân từ cấp tỉnh đến cấp huyện, có sự quan tâm đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề của vùng ven biển. Ở cấp tỉnh, sự ủng hộ của lãnh đạo Sở NN&PTNT và Sở TNMT là những nhân tố vô cùng quan trọng để thuyết phục các ban ngành chức năng khác cũng như chính quyền ở cấp tỉnh có những hỗ trợ về nguồn lực và chỉ đạo kịp thời cho cấp triển khai dưới cơ sở. Ở cấp huyện, cấp xã những cán bộ, người dân có năng lực đều đã được huy động tham gia vào cơ cấu quản lý của KBV HST biển Rạn Trào như Ban quản lý, các nhóm nòng cốt cộng đồng, và chính họ đã góp phần quyết định đến sự thành công của mô hình quản lý này. Tuy nhiên điều quan trọng là cần phải duy trì và tiếp tục phát triển các hạt nhân địa phương này theo cùng một mục tiêu chung để tập trung nguồn nhân lực, giữ vững các thành quả đạt được và tiến tới những thành công mới.
Đa dạng huy động nguồn lực: Việc triển khai mô hình KBV Rạn Trào đã cho thấy có nhiều nguồn lực có thể được huy động để hỗ trợ cho quá trình triển khai QLTHVVB. Bên cạnh những nguồn lực chính thống từ Ngân sách Nhà nước thì các nguồn lực bên ngoài khác cũng cần được coi trọng như nguồn tài trợ nước ngoài thông qua các dự án; từ các Viện nghiên cứu thông qua các đề tài nghiên cứu; các lực lượng tình nguyện viên trong và ngoài nước; các doanh nghiệp địa phương và cả các cá nhân.
Sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan khác: Với đặc trưng của vùng ven biển là sử dụng đa mục tiêu thì sự tham gia và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan trong đó có cộng đồng là thực sự cần thiết cho sự điều phối hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ trong thành phần Ban quản lý KBV HST biển Rạn Trào với sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã; các lực lượng chức năng như Biên phòng, Quản lý thủy sản, đại diện cộng đồng địa phương và đặc biệt là có sự tham gia với vai trò cố vấn của Sở TNMT, Sở NN&PTNT, BQL Khu kinh tế Vân Phong. Để trên cơ sở đó, mọi hoạt động diễn ra đều được các bên liên quan hiểu rõ, tham gia và ủng hộ.
Tính tự chủ: Trong công tác quản lý tài nguyên vùng ven biển ở cấp cơ sở nói chung thì sự tự chủ, tích cực của chính quyền địa phương là nhân tố then chốt đảm bảo cho quá trình triển khai hiệu quả các dự án cũng như duy trì và phát huy những thành quả do các dự án đó mang lại. Về mặt dự án, Khu bảo vệ HST biển Rạn Trào đã chính thức kết thúc dự án thử nghiệm xây dựng mô hình từ năm 2004, tuy nhiên để chứng minh sự cam kết, tự chủ của địa phương, UBND huyện Vạn Ninh đã huy động và bố trí 01 khoản kinh phí khoảng 30 triệu đồng/năm từ ngân sách địa phương để tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động quản lý của KBV Rạn Trào. Mặc dù các hoạt động diễn ra có phần kém sôi nổi hơn trước nhưng đây chính là yếu tố quan trọng để sau này tổ chức MCD tiếp tục tìm kiếm và kết nối các dự án khác để hỗ trợ cho địa phương triển khai tiếp các hoạt động củng cố và hoàn thiện mô hình này.