Đến với Đà Nẵng là đến với thành phố du lịch biển. Du khách sẽ thoải mái tận hưởng những cảm giác sảng khoái do biển mang lại, sẽ mặc sức vùng vẫy trong làn nước trong xanh và yên lòng bởi đã có họ, những nhân viên cứu hộ bãi biển.
Nội dung bơi thúng nan trong cuộc thi cứu hộ giỏi 2010
Bờ biển Đà Nẵng đẹp vào loại nhất hành tinh, được đầu tư cơ sở hạ tầng kè đá và giữ vệ sinh tốt nên bất cứ chỗ nào cũng có thể biến thành bãi tắm lý tưởng cho du khách. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho du khách là điều kiện tiên quyết nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - du lịch bền vững của Thành phố. Và một tổ chức chuyên nghiệp đã ra đời.
Họ là đội ngũ những người làm công tác cứu hộ bãi biển, quy tụ nhiều thành phần, từ những người làm nghề chài lưới, hay những thanh niên địa phương…, tất cả đều có chung tình yêu biển. Công việc chính của họ là tuần tra dọc bãi tắm, thường xuyên nhắc nhở du khách tắm biển tránh xa những nơi nguy hiểm, và khi có sự cố xảy ra thì tham gia cứu hộ. Ngày làm việc của họ bắt đầu từ 4h30 cho đến 18h00, mùa hè cũng như mùa đông, trời nắng cũng như mưa bão. Họ âm thầm làm việc, tất cả vì sự bình yên của du khách.
Mỗi bãi tắm được dựng một chòi canh cao 5m để làm địa điểm giúp đỡ du khách khi cần liên lạc và cũng là điểm dừng chân nghỉ ngơi cho những đội viên đi tuần, điểm thay ca. Trang phục của đội với áo phông vàng, quần cộc đỏ, mũ đỏ, một thứ màu bắt mắt, có thể nhìn thấy trong bất cứ đám đông nào mà không bị nhầm lẫn. Đội được trang bị còi hiệu, phao cứu sinh, loa phóng thanh, thuyền thúng nan và ca-nô máy. Đội thường xuyên tuần tra trên bờ, dưới biển, gọi loa tuyên truyền, nhắc nhở du khách tránh xa những khu vực nguy hiểm. Tại bãi tắm Mỹ Khê – bãi tập trung đông du khách nhất của TP. Đà Nẵng, anh Nguyễn Quốc Vinh – Đội trưởng đội cứu hộ - BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cho biết: “Chúng tôi tham gia đội cứu hộ vì trách nhiệm, tâm huyết của người Đà Nẵng với du khách. Công việc của chúng tôi rất vất vả, thu nhập lại thấp, nhiều lúc có thể nguy hiểm đến tính mạng, nên phải thật sự yêu nghề, yêu biển mới có thể trụ được. Một số anh em trong đội gia đình có truyền thống làm nghề chài lưới, một nghề mà theo quan niệm của người xưa là tối kỵ với nghề cứu hộ biển, nếu không có sự yêu nghề và không có sự nỗ lực lớn sẽ không vượt qua được rào cản tâm linh ấy”.
Công việc cứu hộ biển quả thật rất vất vả. Nắng cũng như mưa bất cứ khi nào, hễ có du khách tắm biển thì các nhân viên cứu hộ luôn phải tuần tra nhắc nhở và chuẩn bị tinh thần ứng cứu. Tinh thần nhân viên cứu hộ phải rất tập trung, phán đoán phải chính xác, thao tác phải nhanh và chuẩn. Nói về công việc của mình, anh Nguyễn Tấn Cường – nhân viên cứu hộ có thâm niên 11 năm bộc bạch: “Ngày nắng đẹp, bãi tắm gần như đông suốt ngày, có đến hàng ngàn du khách, nếu không tập trung thì không thể phân biệt được người đang tắm và người gặp nạn. Ngày mưa bão càng vất vả với những du khách ưa cảm giác mạnh, chỉ cần mình phân tâm một chút, họ có thể bị sóng cuốn đi. Còn khi tham gia cứu hộ, chỉ một động tác không chuẩn là mình cũng mắc nạn. Chính vì thế, gia đình tôi nhiều lúc cũng không muốn tôi tham gia đội cứu hộ nữa, nhưng vì tình yêu biển, vì sự nỗ lực của cả đội, tôi đã thuyết phục được gia đình. Với tôi, cứu người là niềm vui”. Còn anh Đinh Văn Lương cũng có thâm niên làm cứu hộ 11 năm, có gia đình theo nghề chài lưới cho biết: “Gia đình tôi kiếm sống trên miệng hà bá nên quan niệm không bao giờ được giật miếng ăn của hà bá. Nhưng tôi không thể đứng nhìn người ta đuối dần rồi chìm hẳn nên đã không theo nghề của gia đình mà rẽ ngang làm nhân viên cứu hộ biển. Mãi rồi gia đình tôi cũng chấp nhận”. Vinh danh họ, những người luôn nặng lòng với biển, những người âm thầm làm yên lòng du khách đến với biển, hãy chúc cho họ thật nhiều sức khỏe, luôn hoàn thành nhiệm vụ, để mãi mãi làm yên lòng du khách đến với biển.
Đội cứu hộ biển Đà Nẵng được thành lập từ tháng 5/1999 với quân số 75 thành viên dưới sự quản lý của BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch (thuộc Sở VHTTDL Đà Nẵng). Hoạt động liên tục từ 4h30 đến 18h00 trên 15 bãi tắm trải dài suốt hai tuyến biển: Hòa Hiệp – Thanh Bình và Sơn Trà - Điện Ngọc. Tính đến nay, đội đã cứu hộ được hơn 2000 trường hợp.
Bá Phúc