Ngày 5/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với ông Yvo De Boer, nguyên Tổng Thư ký Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đây là một trong nhiều hoạt động của ông Yvo De Boer và các cộng sự trong thời gian thăm Việt Nam theo lời mời của Liên hợp quốc (LHQ).
Ông Yvo De Boer đã tóm tắt về những xu hướng lớn của thế giới trong việc chống lại biến đổi khí hậu (BĐKH); tác động của các biện pháp, các quy định lớn liên quan đến BĐKH khi được thông qua đối với chính trị, kinh tế toàn cầu. Ông Yvo De Boer cho biết, đã có nhiều quốc gia xây dựng chương trình hành động để ứng phó với vấn đề BĐKH. Ông Yvo De Boer chia sẻ, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nam Phi...trong việc dần thay thế tiến đến sử dụng hoàn toàn các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hình thành các gói dịch vụ, tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Ông cũng cho rằng, đây là xu thế toàn cầu và Việt Nam là một quốc gia đang phát triển năng động thì không thể đứng ngoài cuộc.
Theo ông Yvo De Boer và các cộng sự, để chủ động các biện pháp ứng phó với BĐKH, Việt Nam cần tập trung vào 5 vấn đề chính là khẩn trương áp dụng các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ; huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương; định hướng cho ngành điện phát triển bền vững bằng việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ, cả quốc tế và trong nước và cần cân nhắc cách tổ chức thực hiện để có cơ chế điều phối hiệu quả nhất.
Ông Yvo De Boer tin tưởng với việc dành các chính sách tài khóa nhất định cho việc ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã và sẽ còn tiến xa hơn trong chuyển dịch nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường và bền vững.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thông báo với ông Yvo De Boer và các cộng sự về những bước đi của Việt Nam đối với vấn đề BĐKH. Rút kinh nghiệm của nhiều nước,các ngành đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn và được cập nhật theo thời gian. Việt Nam đang từng bước điều chỉnh lại cơ cấu ngành năng lượng từ việc sử dụng các nguồn nguyên liệu truyền thống sang sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, cụ thể là đến năm 2015 sẽ đạt 5%, năm 2020 là 8%. Việt Nam cũng có những chính sách khuyến khích để phát triển các dự án sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đối với việc sử dụng than là nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện đang là "lựa chọn bắt buộc" của Việt Nam trước tình hình kham hiếm nguyên liệu và năng lượng hiện nay. Phó Thủ tướng khẳng định mặc dù vậy, Việt Nam đã ban hành các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với những nhà máy này, để giảm đến mức thấp nhất những tác động đến môi trường. Tất cả các dự án khi bắt đầu đi vào hoạt động đều phải có những đánh giá môi trường và trở thành công việc bắt buộc hàng năm.
Trao đổi về vấn đề tài chính trong ứng phó với BĐKH, ông Yvo De Boer và các cộng sự cho rằng, ngoài các nguồn vốn tài trợ như ODA, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, khi xây dựng và triển khai các chương trình, Việt Nam nên hình thành các mô hình hợp tác công - tư. Ông Yvo De Boer cũng nhấn mạnh, để có nguồn năng lượng sử dụng trong thời gian tới, Việt Nam cần năng cao nhận thức của toàn dân về vai trò của năng lượng đối với cuộc sống. Sử dụng tiết kiệm, hợp lý đi đôi với nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng mới là việc làm cần thiết đối với mọi quốc gia.
* Trước đó, ông Yvo de Boer và cộng sự là ông Dennis Tirpak, cựu điều phối viên đàm phán BĐKH đã có buổi trao đổi với phóng viên báo chí.
Hai chuyên gia chia sẻ: Với bờ biển dài và số lượng khá lớn dân cư sống dọc bờ biển, Việt Nam đã và đang đối mặt với những thách thức do quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng gây ra. Đây là những tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội của và đòi hỏi Việt Nam cần chủ động các biện pháp tự vệ của riêng mình. Hai chuyên gia cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực của Việt Nam để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, hai ông cũng lưu ý những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong quá trình phát triển. Đó là việc phát triển và sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt việc xây dựng những nhà máy nhiệt điện từ nguyên liệu là than. "Việt Nam có thể làm gì để phát triển nền kinh tế xanh-sạch, đủ sức ứng phó với BĐKH, bảo đảm phát triển kinh tế xanh và thân thiện với môi trường ", ông Yvo de Boer nhấn mạnh. Để làm được điều đó, theo ông Dennis Tirpak có thể chế hóa các chính sách ứng phó với BĐKH, trong đó cần tăng cường, thu hút đầu tư nhiều hơn nữa từ các nguồn vốn khác nhau cho công việc này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề tài chính cho hoạt động ứng phó với BĐKH của Việt Nam, theo ông Yvo de Boer, ngoài các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ODA, Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể để huy động từ nhiều nguồn khác nhau thông qua các tổ chức phi chính phủ, các chương trình hợp tác song phương và đa phương...
Hai chuyên gia cũng khẳng định và đánh giá cao với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã tổ chức và tham gia tích cực nhiều diễn đàn về ứng phó với BĐKH trong khu vực và trên thế giới. "Chúng tôi tin tưởng từ chuyến thăm này và các cuộc thảo luận với các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia của Việt Nam, các bạn sẽ thể hiện vai trò tích cực trong cuộc đàm phán ở Cancun, Meehicô dự định được tổ chức vào cuối tháng" ông Yvo de Boer nói./.