Hà Giang: Du lịch sinh thái - tiềm năng phát triển của Hoàng Su Phì

Cập nhật: 15/11/2010
Là huyện cửa ngõ phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì có đường biên giới Quốc gia giáp với nước bạn Trung Quốc, có cửa khẩu tiểu ngạch đang được quy hoạch, thuận lợi cho phát triển thương mại, kinh tế, văn hóa, du lịch.

Toàn huyện có 12 dân tộc anh em đan xen cùng sinh sống lâu đời. Sự đa dạng của dân tộc gắn liền với những tinh hoa của đồng bào vùng cao có tính kế thừa phong tục, tập quán truyền thống văn hóa lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa riêng như Lễ hội Cù Tê của dân tộc La Chí; cấp sắc, nhảy lửa, cầu mùa của dân tộc Dao đỏ; lồng tồng của dân tộc Tày; cúng rừng của dân tộc Nùng…đã trở thành nguồn nội sinh dồi dào để thu hút ngoại lực cho huyện đang trên đà phát triển. Với thế mạnh của huyện vùng cao núi đất có các nông sản phong phú về chủng loại, nhiều về số lượng đã đóng góp lớn vào tỷ trọng GDP của huyện như: Sản phẩm đậu tương của các xã vùng núi đất phía Bắc; chè Shan tuyết của 12 xã phía Nam là những sản phẩm sạch được thị trường đón nhận. Bên cạnh đó với đặc điểm tự nhiên là dải kéo dài của dãy Hoa Nam (Trung Quốc) đã kiến tạo nên điều kiện địa hình của huyện với những dãy núi non hùng vĩ, như dãy núi Chiêu Lầu Thi còn được gọi là “chín tầng thang” nằm trong dãy Tây Côn Lĩnh có độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển, với nhiều danh thắng như: Thung lũng hoa đào, rừng Pơ Mu tự nhiên, vùng chè Shan cổ thụ đặc sản. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì còn có nhiều mỏ nước khoáng nước nóng có tác dụng phục vụ sinh hoạt và chữa bệnh; những cánh đồng, ruộng bậc thang lúa chín vàng uốn lượn; những nương chè Shan tuyết cổ thụ cả trăm năm tuổi xanh mướt trên những triền núi cao, tạo cho Hoàng Su Phì cảnh quan làm say đắm lòng người. Đó là những lợi thế, tiềm năng của huyện trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa cộng đồng.

Nắm bắt được những lợi thế trên, thời gian qua đã có rất nhiều nhà đầu tư, các công ty lữ hành quan tâm đến Hoàng Su Phì để tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Công ty du lịch khám phá Khánh Hòa là một trong những nhà đầu tư chiến lược đã bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu và quyết định đầu tư phát triển du lịch tại thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên. Với tổng diện tích gần 10 ha, công ty đã triển khai xây dựng khu du lịch với số tiền đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. Dự án được triển khai với các hạng mục công trình như: Khu nhà nghỉ, khu văn phòng, nhà bếp, phòng ăn, khu vui chơi giải trí. Điều đặc biệt ở đây là hình thức xây dựng được kết hợp theo lối vừa hiện đại nhưng lại vừa phù hợp với nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng. Khu nhà nghỉ khép kín khang trang, mỗi nhà nghỉ rộng khoảng 20m2 với các tiện nghi, hình thức bên ngoài giống kiểu nhà sàn của người Tày, bên trong được xây dựng theo lối hiện đại có tác dụng chống ồn, chống nóng về mùa hè, chống lạnh, rét về mùa đông. Hiện nay có khoảng 15 nhà được xây dựng để đón khách du lịch. Bên cạnh việc xây dựng, trang bị cơ sở hạ tầng, công ty còn đặc biệt quan tâm tới việc duy trì, chủ động liên hệ với các tua, tuyến du lịch trong, ngoài tỉnh đến với Thông Nguyên và đi vào các làng, bản mang tính chất du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Theo đại diện Công ty du lịch khám phá Khánh Hòa chọn huyện Hoàng Su Phì để lên đầu tư cho biết, vì ở đây quy tụ nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa đặc trưng riêng; có một môi trường cũng như cảnh quan ở đây rất phù hợp với loại hình du lịch khám phá, du lịch sinh thái. Hơn nữa, khách của công ty chủ yếu có nhu cầu đi tham quan, dã ngoại để tiếp xúc với môi trường, với đời sống thực tại của người dân địa phương. Về phía huyện cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu tham quan của khách, vạch ra các tuyến du lịch và hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống các nhà văn hóa tại các thôn điểm, thành lập các đội văn nghệ dân gian với sự tham gia của bà con các thôn sở tại. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, hiện nay công ty đang chủ động xây dựng nhiều chương trình tua, tuyến du lịch và giữ chân khách tại tỉnh từ 5- 7 ngày. Tuy số ngày tham quan của khách là dài, nhưng thực chất chỉ nghỉ tại khu du lịch PanHous 1- 2 đêm, còn lại đa phần nghỉ tại các thôn bản, qua đó cũng đã gián tiếp tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân trong vùng.

Có thể nói việc đầu tư phát triển du lịch tại xã Thông Nguyên nói riêng và huyện Hoàng Su Phì nói chung đã đem lại những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài đối với địa phương, góp phần làm cho cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang hơn, đời sống của người dân được nâng lên, có thêm thu nhập để xóa đói giảm nghèo; tiếp cận được những kiến thức văn minh. Đó cũng là định hướng, mục tiêu trong phát triển du lịch mà huyện Hoàng Su Phì đang hướng tới.

 

Nguồn: Báo Hà Giang