Các tuyến đường mở rộng sau 1954 ngập sâu và kéo dài
Hiện nay các tuyến giao thông đô thị Hà Nội tại các khu vực được phát triển và mở rộng sau năm 1954 thường xuyên xảy ra ùn tắc, gây lãng phí thời gian và kinh phí, là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm môi trường không khí do khí thải của các phương tiện giao thông.
Thông thường hệ thống thoát nước đô thị thường được xây dựng gắn với phát triển giao thông, vì vậy nếu không đồng bộ hóa hai hệ thống này, không những bất cập về tiêu thoát nước đô thị mà còn gây cản trở và gián đoạn quá trình hoạt động của phương tiện tham gia giao thông (Ảnh minh họa: internet)
Có thể kể ra các trận mưa lịch sử năm 1996, 2002, và năm 2008 khiến rất nhiều tuyến phố, khu dân cư của thủ đô phát triển từ sau năm 1954 lại bị ngập sâu với thời gian kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.
Trái lại, tại các tuyến phố cổ, phố cũ hiện tượng ngập lụt hầu như không xảy ra hoặc tiêu thoát rất nhanh trong một thời gian ngắn. Điều đó cho thấy việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông không được tính toán hợp lý và đồng bộ với hệ thống tiêu thoát nước.
Nhìn lại lịch sử phát triển giao thông Hà Nội có thể nhận thấy rằng hệ thống giao thông đô thị Hà Nội tại các khu phố cổ, phố cũ được xây dựng trước năm 1954 có những ưu việt cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học. Thực tế cho thấy, các tuyến giao thông qua phố cổ, phố cũ ngập lụt, ô nhiễm khí thải giao thông thấp hơn nhiều so với các tuyến đường được xây dựng mở rộng.
Thời gian qua, việc chia cắt các nút giao thông, chuyển từ ngã tư thành ngã ba tưởng như sẽ giảm ùn tắc, tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thay đổi đó không những làm mất công năng của các ngã tư mà còn làm gia tăng ùn tắc và góp phần gây ô nhiễm thêm môi trường.
Theo khảo sát của Trung tâm Điều hành&Quản lý Giao thông TRAMOC (CHLB Đức) từ năm 2002 và cuộc khảo sát năm 2010 trên phố Kim Mã, bình quân năm 2002 có 203.268 lượt xe máy qua lại mỗi ngày trong khi năm 2010 là 246.012 lượt xe. Số lượt xe hơi qua lại tuyến phố Kim Mã năm 2002 là 30.00 lượt tăng lên 48.000 lượt trong năm 2010. Sự gia tăng đáng kể hai loại phương tiện này tác động trực tiếp tới chất lượng không khí trong thành phố.
Vấn đề tắc nghẽn giao thông không chỉ do sự gia tăng hay biến động của số lượng phương tiện giao thông cá nhân mà còn do loại hình phương tiện, bao gồm rất nhiều xe hơi, vốn chiếm dụng một diện tích đáng kể trên tuyến đường trong thành phố.
Phát triển giao thông phải gắn với môi trường
Để giao thông đô thị thực sự được gắn kết với bảo vệ môi trường, trong quá trình quy hoạch và phát triển, Hà Nội cần phải đặt ra các giải pháp ngăn ngừa giảm nhẹ ô nhiễm môi trường nhằm đảo bảo phát triển giao thông đô thị bền vững về môi trường, trong đó cần chú trọng đến phát triển các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch và tăng cường giám sát chất lượng môi trường trong các hoạt động giao thông, để có thể đánh giá đúng mức độ ô nhiễm và đưa ra giải pháp hợp lý bảo vệ môi trường theo các giai đoạn phát triển.
Quy hoạch phát triển giao thông đô thị phải liền với quy hoạch phát triển chung đô thị và gắn kết với cải tạo và chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị (Ảnh minh học: internet)
Trong quá trình phát triển giao thông đô thị, chúng ta phải dành quỹ đất để phát triển hệ thống cây xanh, thảm phủ thực vật để cải thiện môi trường không khí. Giao thông đô thị rất cần các vành đai xanh, một mặt tạo cảnh quan đô thị thân thiện, mặt khác là bộ lọc không khí vô cùng hữu hiệu cho môi trường đô thị.
Trong các trường hợp có thể, Hà Nội cần tạo ra những thảm phủ, các vỉa hè, hành lang bảo vệ dọc các tuyến đường giao thông để có thể thấm nước, hạn chế những tác động tiêu cực đến các tầng chứa nước do quá trình bê tông hóa đô thị.
Tuy nhiên, để đảm bảo có một môi trường giao thông thân thiện, cần đồng bộ giữa phát triển giao thông với hệ thống thoát nước, cây xanh và giảm thiểu bê tông hóa trong quá trình phát triển; Thiết kế hệ thống thoát nước trong phát triển giao thông đô thị phù hợp với quy mô phát triển giao thông đô thị và phát triển chung của thủ đô.
Thông thường hệ thống thoát nước đô thị thường được xây dựng gắn với phát triển giao thông đô thị, vì vậy nếu không đồng bộ hóa hai hệ thống này, không những bất cập về tiêu thoát nước đô thị mà còn gây cản trở và làm gián đoạn quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông đô thị.
Chúng ta cũng cần nghiên cứu để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hợp lý và khoa học giữa hệ thống giao thông ngầm, mặt đất, và trên cao, đảm bảo liên thông giữa các tuyến.
Việc phát triển hệ thống giao thông cũng cần nghiên cứu để kết nối hài hòa giữa giao thông, đường bộ và đường sắt, điều này có thể vừa tiết kiệm được quỹ đất dành cho phát triển giao thông, vừa tạo thuận tiện cho việc chuyển đổi các phương tiện đi lại trong đô thị một cách dễ dàng và hiệu quả.
Mặt khác Hà Nội cũng cần tạo ra sự kết nối liên tục giữa hệ thống giao thông nội đô với hệ thống giao thông liên tỉnh xuyên qua trung tâm thủ đô; Cần tạo ra những nút trung chuyển vận tải có sự kết hợp cả ba hệ thống giao thông trong tương lai. Các tuyến giao thông đô thị cần phát triển theo các trục xuyên tâm và các tuyến đường vành đai một cách khoa học để hạn chế lượng hành khách đi vào trung tâm gây ùn tắc.
Điểm hình là tại một số thành phố lớn trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản) hay Seoul (Hà Quốc), hệ thống các tuyến giao thông thường được kết nối tại các nhà ga, đảm bảo liên tục của việc vận chuyển hành khách. Điều này chống được lãnh phí thời gian và nhân lực trong quá trình điều hành các phương tiện và dịch vụ giao thông, tạo sự thoải mái và tâm lý thân thiện của các đối tượng sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Với Hà Nội, một số tuyến đường có tính chất huyết mạch giao thông, khi phát triển giao thông trên cao, cần kết hợp cả đường bộ và đường sắt. Chẳng hạn chúng ta có thể kết nối giao thông từ Pháp Vân về ga Hà Nội rồi sang Gia Lâm bằng hệ thống giao thông nhiều tầng trên cao, mặt đất và có thể là cả hệ thống giao thông ngầm.
Trong quá trình phát triển giao thông, Hà Nội cần đánh giá đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống giao thông đô thị để phòng ngừa, giảm thiểu và hạn chế các rủi ro đối với quá trình phát triển. Thủ đô Hà Nội nằm trên vùng được dự báo phải chịu đựng chấn động cấp 8. Vì vậy vấn đề quản lý rủi ro động đất cần được đặt ra một cách chính thức, được triển khai rộng rãi và càng sớm càng tốt.
Để làm tốt công việc này, Hà Nội cần triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ theo định hướng đánh giá rủi ro động đất cho các khu vực đô thị thuộc địa bàn thành phố, nhằm đưa ra các giải pháp tốt và thiết thực cho vấn đề quản lý rủi ro trong quá trình phát triển giao thông đô thị. Ngoài ra, việc mở rộng Hà Nội, chúng ta cần đánh giá đầy đủ tác động của lũ quét, xói lở đến các tuyến giao thông nối trung tâm thủ đô với các đô thị vệ tinh như Ba Vì, Sơn Tây.
Việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết hợp với tăng cường hiện đại hóa các phương tiện giao thông công cộng là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng khí thải do giao thông gây ra.
Nguyễn Vũ Trung, Đỗ Việt Nga (Cục Thẩm định&Đánh giá Tác động Môi trường – Tổng cục Môi trường) và Trịnh Thị Thanh (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)