Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản

Cập nhật: 16/11/2010
Hà Nội hiện có 725 cây cổ thụ quý cần được bảo vệ, trong số này có cây bồ đề 700 tuổi, những cây muỗm 400 – 700 năm tuổi, cây lim 250 tuổi, cây lộc vừng 9 gốc bên hồ Hoàn Kiếm… Tháng 10 vừa qua, tại đền Voi Phục (Thuỵ Khuê, Tây Hồ) đã diễn ra lễ công nhận cây di sản cho 9 cây muỗm có tuổi thọ từ 700 đến 800 tuổi. Sự kiện trên đã thu hút sự chú ý của dư luận, bởi đây là lần đầu tiên ở Việt Nam mới có danh hiệu cây di sản.

Đền Voi Phục cổ kính nằm nép mình dưới những tán cây cổ thụ tạo nên vẻ yên bình, tĩnh lặng đến kỳ lạ. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu đền cổ kính, cụ từ Hà Văn May hồ hởi khoe: vừa qua, vườn cây nghìn tuổi đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây di sản. Đây là niềm vui chung của người dân Thuỵ Khuê nói riêng và người dân Hà Nội nói chung. Theo quan sát của chúng tôi, toạ lạc trong khuôn viên đền Voi Phục với diện tích hơn 2000m2, là 8 cây muỗm cổ thụ được trồng rải rác, tạo không gian yên bình và linh thiêng cho ngôi đền nghìn năm tuổi. Một cây còn lại trước cũng thuộc khuôn viên của đền nhưng do đường Thuỵ Khuê mở rộng cắt qua khuôn viên đền nên cây muỗm này nằm bên kia đường.
Không chỉ ông May, mà hầu hết cao cụ cao niên ở đây không ai biết các cây muỗm đã được trồng ở nơi đây từ khi nào. Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Ban quản lý đền Voi Phục cho biết: “Đền Voi Phục được lập vào đời Lý, thờ Linh Lang, tuy nhiên trong sử sách ghi lại không nói về các cây muỗm được trồng vào năm nào. Đến tận năm 1999, có một đoàn khảo sát môi trường quốc tế và một số nhà khoa học Việt Nam đến khảo sát, họ kết luận những cây muỗm trong đền có tuổi ít nhất là 700 năm, nhiều có thể đến gần 1.000 năm”.
Nói về sự kiện 9 cây muỗm ở đền Voi Phục được vinh danh cây di sản, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho biết, các cây muỗm trong đền Voi Phục rất xứng đáng được vinh danh cây di sản. Bởi các cây này tượng trưng cho sự trường tồn của dân tộc, là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến nhiều biến cố thăng trầm của ông cha. Những cây muỗm ở đền Voi Phục là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh Cây di sản Việt Nam. Đây là việc vô cùng quan trọng, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Đến tham quan đền Voi Phục, nhiều du khách rất bất ngờ khi biết tuổi thọ của những cây muỗm ở nơi đây. Cụ Hà Văn May cho biết, từ khi 9 cây muỗm được vinh danh là cây di sản của Việt Nam, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm đến Đền để chiêm ngưỡng sự uy nghi, cổ kính của các cây di sản.
Sau khi các cây muỗm được vinh danh, công tác bảo vệ và chăm sóc các cây Muỗm đại thụ được người dân rất quan tâm. Hiện nay, người dân phường Thụy Khuê đã cam kết không có những hành vi ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây như xây tường, nhà chèn ép cây muỗm hay đóng đinh lên thân cây.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch VACNE cho biết, tại Hà Nội không chỉ có 9 cây muỗm được vinh danh là cây di sản mà thời gian tới sẽ có nhiều cây đại thụ được công nhận cây di sản. Ngoài những cây di sản ở những địa điểm danh thắng nổi tiếng, có những cây đặc hữu, cần được áp dụng biện pháp bảo vệ. “Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục vinh danh các cây đại thụ là cây di sản của Việt Nam để việc công nhận này trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, góp phần tích cực bảo vệ cảnh quan môi trường, mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người Việt Nam”, GS. Phạm Ngọc Đăng cho biết.
Mong rằng, với sự cố gắng của VACNE, cùng các cơ quan hữu quan, nhiều cây đại thụ sẽ được vinh danh cây di sản, cùng với đó là những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản, để chúng mãi trường tồn với thời gian.

Nguồn: Du Lịch, LHH KH&KT VN