Hội BVTN&MT Việt Nam: Chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 17/11/2010
Trong tuần vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã tổ chức một chuỗi sự kiện hoạt động về bảo vệ môi trường tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bảo vệ đa dạng sinh học tại dãy Trường Sơn là vấn đề cấp thiết

Sáng ngày 5/11, Hội đã phối hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục môi trường và Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ sinh học, Đại học Huế tổ chức hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 3” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và các đơn vị thông tin truyền thông.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe khẳng định vai trò bất biến, không thể thiếu của dãy Trường Sơn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước, cung cấp nơi cu trú và văn hóa địa phương, kiểm soát thiên tai như lũ lụt, lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai; tạo ra chế độ khí hậu địa phương qua đó tạo ra các nguồn gen quý, các tập đoàn cây trồng, vật nuôi bản địa,...  
Với diện tích rừng khá lớn, ngoài  những bảo tồn giá trị văn hoá bản địa và ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, dãy Trường Sơn góp một phần không nhỏ vào việc giảm hiệu ứng khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội thảo, các tham luận của PGS.TS Phạm Bình Quyền Tổng thư ký Hội và TS. Nguyễn Mộng thuộc Đại học Huế đã nêu rõ sự nguy hiểm của sinh vật ngoại lai và sinh vật ngoại lai xâm hại đối với môi trường nói chung và với vùng đồng bằng ven biển phía Nam Thừa Thiên Huế nói riêng.
Thông qua buổi hội thảo cho thấy đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn hiện nay ngày càng suy giảm nghiêm trọng, đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại và tàn phá. Do đó, cần thiết phải nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ các bảo tồn đa dạng dãy Trường Sơn. Bên cạnh đó, tại hội thảo, các ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng cần thiết phải kiến nghị với Nhà nước để nhanh chóng đề ra chiến lược quản lý tổng hợp dãy Trường Sơn trước các nguy cơ xâm hại của sinh vật lạ và giải pháp phòng ngừa, tăng cường chế tài đối với hoạt động khai thác, buôn bán sinh vật hoang dã…

Vinh danh cây thị hơn 300 tuổi

Tiếp nối sang kiến vinh danh cây cổ thụ, buổi chiều cùng ngày, VACNE đã tổ chức lễ công nhận cây thị tại nhà thời họ, phái Thân Văn, làng Dương Xuân Hạ, TP Huế là “Cây di sản Việt Nam”.
Về tham gia lễ vinh danh có Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; các vị lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế; cán bộ nhân dân phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế; đại diện các cơ quan Thông tấn báo chí, cùng bà con dòng tộc họ Thân đến tham dự.
Tính đến nay, cây Thị đã sống 312 năm, cây cao 25m, thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m, chu vi bạnh vè hơn 10m. Hiện tại cây thị vẫn phát triển xanh tốt, tháng 5 ra hoa, mùa hè ra trái.
Tại buổi lễ, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE cho biết: Cây Thị tại nhà thờ họ, phái Thân Văn là Cây di sản được công nhận đầu tiên tại Huế. Việc vinh danh có ý nghĩa về khoa học, lịch sử, văn hoá đồng thời góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, hưởng ứng năm quốc tế đa dạng sinh học 2010.
Đây là cây cổ thụ thứ hai được VACNE vinh danh. Qua đó cho thấy sang kiến tôn vinh Cây Di sản đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước vì đây là hành động không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Cần khai thác và quản lý tốt các hồ chứa Bắc Trung Bộ

Cùng với chuỗi sự kiện trên, ngày 6/11, VACNE đã tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các hồ chứa ở Bắc Trung bộ” với gần 100 nhà khoa học tham gia đến từ Hà Nội, Huế và Đà Nẵng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu hiện trạng các công trình hồ chứa thủy điện nhằm đánh giá những tác động xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội. Thông qua buổi hội thảo, các nhà khoa học đã kiến nghị đề xuất với Nhà nước nhiều giải pháp tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các hồ chứa ở Bắc Trung Bộ./.

 

Nguồn: VFEJ