TP. Hồ Chí Minh: Các kênh rạch đang cạn dần… Vì sao?

Cập nhật: 19/11/2010
TP.HCM, mỗi ngày có gần 10.000 tấn rác thải các loại, trong đó có từ 100 - 150 tấn rác do người dân kém ý thức tự tiện vứt xuống các dòng kênh, gây cản trở giao thông, không thoát nước và đặc biệt làm ô nhiễm môi trường.

76 km kênh… rác

Chỉ tính riêng ở khu vực nội thành TP.HCM có 5 tuyến kênh chính: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh Tẻ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật. Tổng chiều dài các kênh trên là 76 km (không tính các chi lưu). Ngoài tác dụng giao thông thủy, hệ thống kênh rạch này còn có chức năng cực kỳ quan trọng là tiêu thoát nước cho Thành phố, nhất là vào mùa mưa. Tuy vậy, hiện nay toàn bộ hệ thống kênh rạch này đang bị cạn dần và ô nhiễm nặng vì rác.

Chúng tôi đã khảo sát dọc theo tuyến Kênh Đôi - Tàu Hủ, tuyến kênh có chiều dài 19,5km. Đối với người dân sống lâu năm trên tuyến kênh này họ xem là bình thường, có lẽ do quen mùi... rác. Nhưng với những khách vãng lai, mùi hôi nồng nặc do rác rưởi nhiều năm lưu cữu thường xuyên bốc lên từ lòng kênh thì không tài nào chịu nổi. Mặt nước đen ngòm, sủi bọt tăm, dấu hiệu của sự ô nhiễm nặng. Tại đây, qua khảo sát các nhà khoa học cho biết, hàm lượng Oxy hòa tan trong nước rất thấp, trong khi chỉ số vi khuẩn E. Coli lại vượt chuẩn cho phép nhiều lần. Điều này đã và đang gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe người dân sinh sống hai bên bờ kênh.

Còn ở tuyến Kênh Tân Hóa - Lò Gốm, hay còn gọi là kênh Thúi, dài chỉ 12km nhưng mỗi khi nước rút xuống nhìn trên mặt kênh chỉ thấy toàn là rác. Trên một đoạn kênh ngắn chừng 100m, từ chân cầu Hòa Bình đến cầu Tân Hóa đủ các loại rác, lớp chìm, lớp nổi lơ lửng, lềnh bềnh dày đặc trên mặt nước. Đây cũng là hình ảnh chung của hầu hết các tuyến kênh rạch trong Thành phố hiện nay.

Theo một cán bộ phòng Quản lý chất lượng Vệ sinh môi trường, Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết, Công ty thường xuyên tổ chức cho công nhân các xí nghiệp trực thuộc vớt rác trên hai tuyến kênh điểm Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm, mỗi ngày ra quân vớt khoảng 15 tấn rác. Thế nhưng, lực lượng này chỉ ra quân vào những con nước lớn (nước lên), còn những lúc nước rút, ghe vớt rác không thể vào các tuyến kênh này được nên chịu thua. Do vậy, nhiều loại rác sau thời gian “ngấm” tự chìm xuống đáy kênh, số khác từ các chi lưu trôi dạt về đâu lại hoàn đấy. Như vậy, nếu việc vớt rác trên các tuyến kênh không được thực hiện đồng bộ thì e rằng tốn công sức mà hiệu quả không cao.

Ai là thủ pham?

Theo Phòng Quản lý chất lượng Vệ sinh môi trường, mỗi ngày 5 tuyến kênh trên hứng chịu từ 100 - 150 tấn rác thải các loại. Chủ yếu là rác sinh hoạt, rác công nghiệp, rác xây dựng của những hộ dân sinh sống ven và trên kênh. Qua tiếp xúc với một số hộ dân sống ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm, họ tự bào chữa một cách tiêu cực, rằng vứt rác xuống dòng kênh không phải vì cố ý mà do thói quen tiết kiệm (không tốn tiền đổ rác)! Với nhiều người có thói quen nguy hại như vậy, khiến cho khối lượng rác thải xuống kênh ứ đọng mỗi lúc một nhiều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngay như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 18km, Nhà nước đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo môi trường sống cho người dân ở ven hai bờ kênh. Thế nhưng hiện nay tuyến kênh này đã cho thấy có sự ô nhiễm trở lại, mà nguyên nhân chính là do ý thức vứt rác bừa bãi của người dân. Ngoài ra, rác thải không chỉ làm cho môi trường ô nhiễm nặng, do rác thường xuyên tấp vào chân cầu, cống... lâu ngày làm cạn dần các kênh rạch và giảm khả năng tiêu thoát nước cho khu vực, gây nên tình trạng ngập đường xá thường xuyên vào mùa.

Để cải tạo phần nào thực trạng trên, hàng năm chính quyền Thành phố đã phải chi không dưới 60 tỷ đồng cho việc vớt rác trên hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm. Song, hiệu quả mang lại chẳng được bao nhiêu. Đó là chưa kể hàng năm Thành phố còn phải bỏ ra nhiều tỷ đồng cho công việc nạo vét kênh rạch, tiêu thoát nước, nhưng do ý thức người dân chưa cao nên vẫn còn tình trạng ô nhiễm, ngập nước mỗi khi mùa mưa đến.

Một điều cũng đáng nói ở đây là chúng ta đã có Luật Môi trường và các Nghị định quy định xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường khá rõ ràng, cụ thể. Nhưng tiếc rằng nhiều năm qua chưa thấy ai bị xử phạt về hành vì thiếu ý thức của mình.

Cao Phương

 

Nguồn: Báo Du lịch