Xây dựng thương hiệu rừng ngập mặn Cần Giờ

Cập nhật: 29/11/2010
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực, nhanh nhất, tiến hành xây dựng thương hiệu rừng ngập mặn Cần Giờ.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội thảo quốc gia đánh giá hoạt động sau 10 năm Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB)/UNESCO Việt Nam tổ chức ngày 27/11 tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong 10 năm qua, hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới như các hệ sinh thái đại diện, sự can thiệp dần dần của con người, bảo tồn đa dạng sinh học, các cách tiếp cận với phát triển bền vững trên quy mô khu vực, sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương…
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong giai đoạn 2011-2020, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai sáu chương trình hoạt động dài hạn về xây dựng hạ tầng; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; quan trắc môi trường; nghiên cứu, giáo dục, tập huấn; bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển kinh tế vùng đệm và vùng chuyển tiếp theo định hướng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích hơn 75.000ha, trong đó vùng lõi có hơn 4.700ha. Sau chiến tranh đã có hơn 22.000ha rừng được trồng phục hồi, đồng thời khoanh nuôi bảo vệ tái sinh gần 10.000ha rừng tự nhiên.
Hiện nay, diễn thế rừng đang rất gần với diễn thế rừng tự nhiên trước khi chiến tranh hóa học xảy ra. Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia “Chương trình Con người và Sinh Quyển” MBA Việt Nam, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được khôi phục và trở thành khu rừng tái sinh nhân tạo cực kỳ quan trọng, là “lá phổi xanh” của Thành phố Hồ Chí Minh.
Rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, trong đó có giá trị giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã nêu ra nhiều thách thức đối với rừng ngập mặn Cần Giờ, đặc biệt là việc làm sao duy trì được sức bền hệ sinh thái trước những tác động của tự nhiên như lượng mưa giảm, nước biển dâng, sâu bệnh, vi khuẩn, nấm hại…
Mặt khác, sức ép của phát triển kinh tế với việc mở rộng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và khu đô thị trong khi hiệu quả bảo tồn chưa cao, ý thức và trách nhiệm còn yếu kém cũng là một thách thức lớn.
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng song song với việc bảo tồn, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải nghiên cứu, xác định bản sắc văn hóa của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn; phát triển du lịch mang tính bền vững; đánh giá tác động của rừng ngập mặn đối với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; tăng cường công tác quảng bá Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đến bạn bè quốc tế.

 

Nguồn: TTXVN/Vietnam+