Rừng ngập mặn Cần Giờ được khôi phục đẹp nhất Đông Nam Á: Người dân hưởng lợi từ du lịch

Cập nhật: 03/12/2010
Dù bị chất độc hóa học trong chiến tranh hủy hoại hoàn toàn, các chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam phải cần ít nhất một nửa thế kỷ mới khôi phục lại được rừng ngập mặn, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) rừng ngập mặn Cần Giờ đã được khôi phục đẹp nhất ở Đông Nam Á.

Mang lại nhiều lợi ích cho người dân

Tại hội thảo quốc gia “Đánh giá hoạt động sau 10 năm khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM)” do UBND TP.HCM và Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam đồng tổ chức vừa qua tại TP.HCM, các đại biểu đã đánh giá cao công tác bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ.

Đến nay, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ mang lại nhiều giá trị kinh tế mà còn cung cấp các giá trị của hệ sinh thái quan trọng, trong đó có giá trị giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong bối cảnh biến đổi khí hậu mạnh mẽ như hiện nay, và trở thành “lá phổi xanh” bảo vệ sự phát triển bền vững của TP.HCM. Đặc biệt, người dân trong vùng đã được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của KDTSQ, nhất là hoạt động du lịch đã góp phần nâng cao đời sống của người dân khá rõ rệt.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, lượng du khách bình quân từ 2005 – 2009 đạt khoảng 186.775 lượt khách/năm. Hiện khu DTSQ có nhiều hoạt động du lịch như nghiên cứu động, thực vật; giải trí, cắm trại; đi thuyền, câu cá;... Lợi ích mang lại đối với cộng đồng địa phương của hoạt động du lịch là rất lớn, hơn 75% nhân viên của Công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ và Khu du lịch sinh thái Vàm Sát là người dân địa phương. Ngoài ra, thông qua nhiều hoạt động hợp tác khác nhau, chính quyền địa phương đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân từ hoạt động dịch vụ du lịch.

Phân tích về mối liên hệ giữa “Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn”, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký MAB Việt Nam khẳng định, việc công nhận khu DTSQ Cần Giờ đã tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch di sản,... Thúc đẩy phát triển kinh tế, kinh tế phát triển đã nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn. Đây cũng chính là sự bảo tồn di sản cho nhân loại và mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống riêng của Việt Nam.

Đối với khu DTSQ Cần Giờ, hệ thống rừng ngập mặn tái sinh tự nhiên là tiêu chí làm nên giá trị của đa dạng sinh học và di sản các hệ thống tự nhiên cho tương lai của nhân loại. GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí cho biết thêm, khu DTSQ Cần Giờ đã đi vào tiềm thức của cộng đồng các  khu DTSQ thế giới, và đã được chọn trình chiếu trong cuốn phim “Sinh quyển” tại phiên khai mạc hội nghị quốc tế về các khu DTSQ thế giới tại Tây Ban Nha vào năm 2008. Ngoài ra, Cần Giờ được đánh giá là khu DTSQ được khôi phục đẹp nhất Đông Nam Á.

Bảo tồn những giá trị di sản

Theo PGS.TS. Đặng Văn Thắng (Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.HCM), với một tập hợp gồm nhiều di tích lịch sử văn hóa, tổng thể khu DTSQ Cần Giờ là địa điểm lý tưởng phục vụ cho du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu,... Vì thế, yếu tố bảo tồn và phát triển về văn hóa phải luôn đan xen nhau nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo cho sự phát triển hài hòa có định hướng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích những thách thức mà khu DTSQ đang phải đối mặt. Trong đó, thách thức lớn nhất là duy trì sức bền hệ sinh thái trước những tác động của tự nhiên; thứ hai là sức ép của phát triển kinh tế trong việc mở rộng hạ tầng cơ sở sẽ tác động vào thiên nhiên ở đây.

PGS.TS Đặng Văn Thắng nhấn mạnh, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và hệ thống di tích khảo cổ nói riêng ở khu vực Cần Giờ phải được đặt ra khẩn trương. Đồng quan điểm trên, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí chỉ rõ hoạt động của khu DTSQ Cần Giờ bao gồm công tác bảo tồn, giữ rừng; phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế,... đều mang tính liên ngành. Do đó, các giá trị văn hóa Cần Giờ phải được quan tâm bảo tồn và nâng cao giá trị nhằm lấy sự danh tiếng của bảo tồn để phát triển kinh tế, mục đích cuối cùng là tạo nên sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Liên quan đến vấn đề bảo tồn, ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam cho biết, thực tế vẫn còn tình trạng bất cập trong quản lý các khu DTSQ và những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Do đó, sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững với giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Dung Quất

 

Nguồn: Báo Văn hóa