Ngày 2/12, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn và UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị về dự án xây dựng đê biển từ Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đến Gò Công (Tiền Giang).
Theo đó, tuyến đê này sẽ giúp điều tiết nước thủy triều, đồng thời trữ nước khi có mưa, lũ. Khi hình thành tuyến đê trên sẽ giải quyết triệt để chuyện ngập úng do triều cường và mưa lớn ở TP Hồ Chí Minh, ngăn chặn thủy triều dâng cao, chống xâm nhập mặn lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Đồng thời có tác dụng ngăn chặn xâm nhập mặn cho khu vực Gò Công (Tiền Giang) và thoát lũ cho vùng Đồng Tháp Mười (Long An). Tuyến đê còn được sử dụng cho mục đích giao thông, giúp kết nối giao thông giữa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang và các địa phương khác khu vực phía Nam.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện dự án này khoảng 30.000 tỉ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 10-15% kinh phí, còn lại là kêu gọi đầu tư, xã hội hóa.
Theo tính toán, tuyến đê này dài khoảng 32km, rộng 50m, xuất phát từ Vũng Tàu (mũi Ô Cấp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đến Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Chiều sâu nước trung bình là 6m, nơi sâu nhất là 12m. Mặt đê rộng 50m. Bên cạnh đó, công trình còn có một cống kiểm soát triều, thoát lũ và các âu thuyền phục vụ giao thông thủy. Đê được xây dựng sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000 ha. Dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỉ m3.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của tuyến đê đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế lâu dài, báo cáo chính phủ xem xét, quyết định.