Truyền thông bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai

Cập nhật: 03/12/2010
Ngày 30/11, tại Bình Dương, Tổng cục Môi trường ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo truyền thông bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai.

Tại hội thảo, các tham luận đã nêu rõ vấn đề: Bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai đang là mối quan không chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường mà là mối quan tâm của từ Trung ương đến địa phương, nhưng người dân thì rất ít biết thông tin về những con sông. Qua thăm dò, 96% người dân ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu muốn biết lưu vực sông Đồng Nai ô nhiễm ở mức nào, ảnh hưởng đời sống, sản xuất là như thế nào. Trong khi, tỉ lệ hiểu biết của người dân về chính sách của Đảng, pháp luật bảo vệ môi trường chiếm dưới 20%. Đây là vấn đề quan ngại trong việc nhận thức về công tác bảo vệ môi trường các con sông nói chung và hệ thống lưu vực sông Đồng Nai nói riêng. Điều  đó cần phải nhìn nhận, những kết quả thanh, kiểm tra của các ngành chức năng ít khi công bố, thậm chí chưa chủ động cung cấp cho các cơ quan truyền thông đăng tải đầy đủ để người dân hiểu biết cũng như nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước qui định trong  bảo vệ môi trường.

Theo ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Thi đua –Khen thưởng ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá: “Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai là khu vực kinh tế trọng điểm năng động nhất cả nước, đang diễn ra quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh. Trải rộng trên nhiều tỉnh, thành với hơn 100 khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng chục ngàn nhà máy sản xuất công nghiệp, hàng ngàn cơ sở y tế và hàng trăm làng nghề đang hoạt động đã thải ra lưu vực sông Đồng Nai khoảng 1,8 triệu m3 nước thải công nghiệp và  2,7 triệu nước thải sinh hoạt/ngày đêm, gây nên sức ép ô nhiễm môi trường cho hệ thống lưu vực con sông này ở mức báo động. Đơn cử như vụ Vedan đã bức tử lưu vực sông Thị Vải, khiến hàng ngàn người bị ảnh hưởng đe dạo đến đời sống một cách nghiêm trọng vẫn chưa khắc phục xong".

Trong khi ông Nguyễn Văn Ba, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: " Các hành vi vi phạm môi trường thời gian qua phần lớn do giới truyền thông phát hiện, thậm chí các nhà quản lý về môi trường khi khi điều tra phát hiện chưa bằng giới truyền thông”. Theo ông Ba “Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường nói chung và hệ thống lưu vực sông Đồng Nai cực kỳ quan trọng, nếu không thông tin đến tận người dân hiểu rõ tầm quan trọng thì không thể bảo vệ môi trường được, mà bảo vệ môi trường là nhiệm vụ sống còn không chỉ cho chúng ta mà cho toàn nhân loại. Do đó, Đảng và Nhà nước rất coi trọng công tác thông tin về bảo vệ môi trường". Tuy nhiên, có hiên tượng nhiều doanh nghiệp, cơ sở có nhạy cảm trong việc gây ô nhiễm ít khi quan ngại việc ô nhiễm, họ xem việc bảo vệ hệ thống lưu vực sông Đồng Nai như là “cha chung không ai khóc”.

Hội thảo đã đề ra giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền luật pháp bảo vệ môi trường để cho mọi người dân, doanh nghiệp nêu cao  nhận thức và chủ động trong việc bảo vệ, gìn giữ một hệ thống sông lưu vực sông Đồng Nai, cũng như hệ thống sông khác trong cả nước. Nêu được các sức ép về nguồn xả thải, đe dạo ở đâu và chỉ rõ từng phần để dân hiểu, doanh nghiệp khắc phục. Phối hợp toàn xã hội ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, trong giới truyền thông phải tích cực, thường xuyên bám sát đưa tin về ô nhiễm, cảnh báo và ngăn chặn. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông về môi trường, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các phóng viên viết chuyên trách về môi trường…

Hội thảo kêu gọi nhận thức và nêu cao hành động: "Các con sông đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta xem nhẹ việc bảo vệ môi trường là như xem thường mạng sống của chống ta"...

Nguồn: www.monre.gov.vn