Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng không ngừng với tốc độ khá cao. Tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng vào năm 2000 mới chỉ là 393 nghìn lượt khách thì năm 2007 đã vượt ngưỡng 1 triệu lượt khách, năm 2008 trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu, khách du lịch đến Thành phố vẫn tăng 24%, đạt gần 1,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu ngành Du lịch năm 2008 đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2007.
Bắt đầu từ năm 2008, lễ hội bắn pháo hoa quốc tế chính thức được cho phép tổ chức hằng năm tại Đà Nẵng làm cho lượng du khách biết và đến với Đà Nẵng ngày càng nhiều. Năm 2009, một năm đầy thách thức với ngành Du lịch Việt Nam và thế giới, nhưng lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng vẫn tăng 6% đạt 1.350 nghìn lượt khách. Doanh thu ngành Du lịch toàn thành phố đạt 926 tỷ đồng tăng 2,9% so với năm 2008. Quý I/2010, đặc biệt là dịp lễ hội bắn pháo hoa quốc tế, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng đột biến (tăng 70% so với năm 2009).
Tuy nhiên, ngành Du lịch Đà Nẵng vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định, lượng khách du lịch quốc tế tăng chậm (thậm chí năm 2009 giảm 15% so với năm 2008), lượng khách du lịch nội địa tăng cao nhưng mức độ chi tiêu thấp, thời gian lưu lại ngắn cùng với những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển. Điều này do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là vấn đề môi trường du lịch, bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI
Mặc dù chính quyền TP. Đà Nẵng đã tập trung trí tuệ, sức lực nhằm xây dựng Thành phố "xanh - sạch - đẹp" để trở thành "Thành phố môi trường" nhưng cũng như xu thế chung của toàn cầu, môi trường ở đây vẫn đang bị đe dọa.
Môi trường nước và không khí ở Đà Nẵng đang dần bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân, kết quả quan trắc nước thải trên sông Cu Đê của Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng (6/2007) cho thấy, mức độ ô nhiễm chất hữu cơ (BOD5, COD) đều vượt tiêu chuẩn cho phép và hiện nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Chi cục Bảo vệ Môi trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên, không khí tại trung tâm đô thị nồng độ bụi lên đến 0,42 mg/l, gấp 1,4 lần, nồng độ chì trong không khí (Pb) đang ở ngưỡng giới hạn 0,005mg/l.
Biển là thế mạnh của Đà Nẵng, với gần 40km đường bờ biển gồm nhiều bãi tắm đẹp, hệ sinh thái biển phong phú… tiềm năng du lịch biển của Thành phố được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản lý về môi trường biển, hiện nay, nước biển ven bờ của Việt Nam, trong đó có TP. Đà Nẵng, đã bắt đầu suy giảm về mặt chất lượng. Theo tiêu chuẩn cho phép hàm lượng đồng (Cu) trong nước biển là 0,02mg/lít, trong khi đó, hàm lượng này ở Đà Nẵng đã đạt đến 0,07-0,08mg/lít. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ do chất thải và nước thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Một số cống thoát nước sinh hoạt được đổ thẳng ra biển làm ô nhiễm biển mà việc giải quyết không thể thực hiện trong thời gian ngắn.
So với các thành phố khác như Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu… mức độ ô nhiễm biển Đà Nẵng chưa cao, nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, hàng chục resort, các sân golf với quy mô lớn, cấp hạng cao đang xây dựng và đi vào hoạt động thì vấn đề môi trường cũng không đơn giản. Sự tác động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng và khi các dự án đi vào hoạt động, đó là các chất thải rắn trong du lịch và trong sinh hoạt, hệ lụy môi trường từ các sân golf, sức ép về quỹ đất vốn không dồi dào ven biển…
Rừng giữ vai trò quan trọng trong việc giữ và điều hòa lượng nước ngầm, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm. Trong những năm qua, diện tích rừng bị thu hẹp đã dẫn đến tình trạng nghèo kiệt dần của thảm thực vật, sự hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, thu hẹp nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Bán đảo Sơn Trà - lá phổi xanh của Thành phố, diện tích rừng đang bị thu hẹp bởi các công trình xây dựng, các loài động vật cũng giảm dần khi khách tham quan bán đảo ngày càng nhiều cùng với các khu resort với hàng nghìn phòng đang được xây dựng tại đây.
Với 18.500ha rừng Bà Nà - Núi Chúa và rừng Hải Vân, được một số nhà quy hoạch gọi là rừng “tiền” bởi các cảnh quan thiên nhiên sông, suối, hồ… sẽ là nơi nghỉ mát, du lịch lý tưởng, điểm du lịch Bà Nà đã trở nên quen thuộc trên bản đồ Du lịch Việt Nam và TP. Đà Nẵng. Trong những năm qua, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc, khai thác rừng, săn bắn động vật hoang dã bừa bãi, xây dựng các công trình giao thông, những resort, những biệt thự đã thay chỗ cho những cánh rừng nguyên sơ… đã làm thay đổi hệ sinh thái, làm cho môi trường bị xuống cấp rất nhanh. Việc khách du lịch có mặt, đi lại, tham quan, ăn uống, đốt lửa trại, tiếng ồn và khí thải của phương tiện vận chuyển làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các loại động vật hoang dã. Hiện nay, hệ thống cáp treo phá 2 kỷ lục thế giới (về chiều dài và chênh lệch độ cao) của khu du lịch Bà Nà được đưa vào sử dụng đã giảm tải sự ô nhiễm do các phương tiện vận tải gây ra nhưng nó lại kéo theo một số lượng lớn du khách đến với Bà Nà, nếu không có những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế lượng khách hợp lý, sức chứa của khu du lịch Bà Nà bị quá tải thì những nguy cơ đe dọa môi trường khu vực này là không nhỏ.
Cùng với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cũng là vấn đề cần quan tâm. Để xây dựng một môi trường du lịch văn minh lịch sự, Thành phố đã đầu tư khá lớn, thực hiện một số chương trình và các biện pháp mạnh, nhờ đó đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Chương trình “5 không” được thực hiện với sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cộng đồng đã làm cho nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi thấy tình trạng người lang thang xin ăn, quấy rầy khách du lịch tại đây hầu như không có, trong khi hiện tượng này rất phổ biến ở các địa phương và các điểm du lịch khác…
Tuy nhiên, hiện tượng chèo kéo, tranh giành khách, bán hàng rong, xin đánh giày, vé số… tại những trung tâm mua sắm và thậm chí ngay trong các quán ăn vẫn tồn tại. Điều này đã làm ảnh hưởng không ít đến sự phát triển bền vững về du lịch, đã làm cho không ít khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, không hài lòng.
NHỮNG GIẢI PHÁP
Trong những năm qua, Thành phố đã ban hành và triển khai rất nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, phấn đấu vì một Đà Nẵng “xanh - sạch - đẹp”, hoặc xây dựng Đà Nẵng thành "Thành phố môi trường". Đây là một trong những động thái cần thiết để xây dựng hình ảnh điểm đến, để đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Tuy nhiên, để ngăn chặn sự suy thoái, xuống cấp của môi trường, cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ một số giải pháp sau.
ThS. Đinh Thị Thi