Cổ vật cung đình Huế liên tục bị mất cắp

Cập nhật: 07/12/2010
Nhiều cổ vật có giá trị ở đại nội Huế và các lăng tẩm của vua chúa liên tiếp bị mất cắp. Các nhà nghiên cứu lo ngại việc mất đi những cổ vật có giá trị khiến Huế mất dần phần hồn, không còn hấp dẫn du khách.

Mới đây ngày 1/12 tại lăng Khải Định ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy nằm trong quần thể di tích cố đô Huế đã bị kẻ trộm đột nhập lấy một số đồ dùng sinh hoạt của vua Khải Định, có xuất xứ từ Pháp và Việt Nam cùng một hòm công đức. Trước đó vào tháng 7, đại nội Huế và lăng Minh Mạng cũng bị mất hòm công đức và nhiều cổ vật quý.

Nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, người đã hơn 20 năm công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết cổ vật cung đình Huế bị thất thoát nhiều, một phần do biến cố của lịch sử, chiến tranh, và bị đánh cắp. Hiện cố cổ vật cung đình Huế không còn nhiều.

Đại nội Huế được bảo vệ 24/24h nhưng vẫn để xảy ra mất cắp hồi tháng 7 vừa qua. Ảnh: Văn Nguyễn.

Ông An dẫn chứng giai đoạn 1975-1985 Huế bị mất nhiều cổ vật nhất, do kẻ trộm đào bới lăng tẩm của các ông hoàng, bà chúa. Năm 1985, tại lăng Khải Định đã mất một bát nhang lớn bằng đồng có chạm khắc hoa văn tinh xảo, đẹp mắt do một du khách giấu bát nhang trong áo khoác và dễ dàng qua mặt các cửa vốn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tiếp đó những năm 1987-1988, lăng bà Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) bị mất cắp chiếc mũ bằng vàng. Kẻ trộm đã bị bắt giữ sau đó, tuy nhiên cổ vật này lại được đem đi… thanh lý.

“Hơn 8.000 cổ vật tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện nay so với số mất đi không dấu vết thì tôi nghĩ giá trị cổ vật Huế hôm nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim triều Nguyễn. Mất cổ vật đã làm mất dần phần hồn của di tích”, ông An nói.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cũng cho rằng cổ vật trưng bày trong đại nội Huế và các lăng tẩm là phần nội thất trang hoàng cho những tòa nhà vốn lưu giữ lịch sử của dân tộc, đất nước. Những nội thất ấy chính là sức cuốn hút du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến Huế.

"Nếu những nội thất đó không còn, di tích sẽ mất đi sức sống, chắc hẳn lượng khách đến Huế sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Phan nói.

Khẩu thần công trước Phu Văn Lâu sau khi bị mất cắp đã được thay thế bằng hai khẩu thần công giả đúc bằng xi măng, sơn màu đồng. Ảnh: Văn Nguyễn.

Đề cập về việc liên tiếp mất cắp cổ vật, KTS Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng mặc dù đại nội Huế, các lăng tẩm nói riêng và quần thể di tích cố đô Huế nói chung đã được bố trí đèn điện cùng lực lượng bảo vệ cẩn mật (200 người), nhưng do quần thể di tích cô đô Huế quá rộng nên khó quản lý.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Ngô Hòa cho biết: “Để xảy ra tình trạng mất trộm cổ vật trong thời gian vừa qua là một mất mát lớn đối với Huế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng an ninh canh phòng nghiêm ngặt để bảo vệ cổ vật cung đình”.

Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, hiện nay các cổ vật quý giá của triều Nguyễn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngoài Hà Nội chứ không phải là ở các bảo tàng tại Huế, nơi nó được “sinh ra”. Một số được đấu giá ở nước ngoài, như bức tranh vua Hàm Nghi ở Paris (Pháp) khi đấu giá, quyền sở hữu lại thuộc về người ngoại quốc với giá 8.800 Euro chứ không phải là Việt Nam. Rồi bức tượng con giải trải bằng vàng cao 12 cm, nặng 211,7 g duy nhất của vua Minh Mạng cũng bị bán đấu giá ở ngoại ô Paris (Pháp) với giá 12.000 Euro…

Ông An cũng băn khoăn sau khi cổ vật cung đình bị đánh cắp, số may mắn tìm thấy lại được chuyển đi nơi khác, không tiếp tục trưng bày tại vị trí cũ. Ví dụ khẩu thần công bằng đồng trước Phu Văn Lâu, sau khi bị mất cắp lại được đưa vào Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, thay vào vị trí cũ là hai khẩu súng xi măng, sơn màu đồng giống như khẩu thần công thật.

Văn Nguyễn

 

Nguồn: vnexpress.net