Ngày 6/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị toàn quốc về đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu ngành tài nguyên và môi trường thông qua truyền hình trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội nghị có gần 800 đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước, các cơ quan có liên quan của Trung ương Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh thành phố, Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, các doanh nghiệp…
Mục đích của Hội nghị lần này là tổng kết, đánh giá thực trạng nhân lực và công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường; dự báo nhu cầu nhân lực về số lượng, chất lượng, cơ cấu; từ đó xác định quan điểm, phương hướng giải pháp phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho Ngành, đáp ứng tốt nhu cầu của Ngành và nhu cầu của xã hội…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nêu rõ, ngành tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực, mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, hiện nay đang thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 7 lĩnh vực, bao gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đo đạc, bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Đây là những lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến đảm bảo an ninh, quốc phóng, sự phát triển kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, với số lượng công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu phải tinh giản cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu cần thay thế và bổ sung công chức, viên chức chuyên môn ở một số lĩnh vực mới, thì nhu cầu tuyển dụng hàng năm của các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường khoảng 800 đến 1.000 công chức, viên chức, chiếm khoảng 8 – 10% tổng số biên chế hiện có. Số công chức, viên chức cần tuyển mới này tập trung ở một số lĩnh vực: môi trường, khí tượng thủy văn, địa chất khoáng sản, đo đạc và bản đồ, một số lĩnh vực điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển. Trong tổng số nhu cầu trên tỷ lệ đại học và trên đại học từ 80% trở lên, số còn lại là trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Một số đơn vị nghiên cứu, triển khai công nghệ mới cần tuyển trình độ đào tạo sau đại học, số này chiếm tỷ lệ khoảng từ 5 đến 10%.
Số cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên môi trường ở các cấp địa phương bước đầu đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý các lĩnh vực đất đai, môi trường, đo đạc bản đồ. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực còn thiếu cán bộ được đào tạo về chuyên môn như các lĩnh vực quản lý biển và hải đảo, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các tổ chức mới được thành lập ở các địa phương như: Tổ chức phát triển quỹ đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Chi cục Biển và Hải đảo, Tổ chức định giá đất, Trung tâm công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường, Tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học, Tổ chức quản lý lưu vực sông…. và nhu cầu thay thế đội ngũ cán bộ sẽ nghỉ hưu thì trong 5 năm tới cần bổ sung trên 1,5 vạn cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn cho các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường ở các cấp địa phương. Trong tổng số nhu cầu trên tỷ lệ đại học và trên đại học từ 70% trở lên số còn lại là trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Như vậy, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành tài nguyên và môi trường bổ sung lực lượng công chức, viên chức đang công tác đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 lên đến 4,5 vạn người. Giai đoạn từ 2016 đến năm 2020, với sự phát triển khoa học công nghệ ngành tài nguyên và môi trường, nhu cầu nguồn nhân lực sẽ giảm xuống khoảng 20 đến 25%, so với giai đoạn 2011 – 2015, trong đó tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới; tập trung nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng tỷ lệ có trình độ đại học trở lên từ mức 70% lên đến 90%.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự ở 3 đầu cầu truyền hình đã thống nhất đề xuất 5 nhóm giải pháp phát triển, đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn tới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Cụ thể, Ngành sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, xây dựng quy hoạch mạng lưới và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, chú trọng nội dung phát triển đào tạo, nhân lực ngành tài nguyên và môi trường trong quá trình đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo, theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên học các chuyên ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt tập trung vào các chuyên ngành như: Khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, địa chất khoáng sản, thông qua các quy định về tuyển sinh, đào tạo, các chương trình hỗ trợ về tài chính, về vật chất trong quá trình đào tạo, tìm kiếm việc làm, các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường. Bộ cũng tiến hành xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường tự học tập, nâng cao kiến thức quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.
Ngành sẽ tập trung phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường, ưu tiên đào tạo chuyên gia, cán bộ có trình độ công nghệ cao và cán bộ ở cơ sở. Đào tạo kỹ sư trình độ cao và công nhân lành nghề cho các lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ cho các cơ sở khoa học công nghệ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm, tiếp tục thực hiện và mở rộng mục tiêu, quy mô các dự án đào tạo kỹ sư tài năng trong các ngành tài nguyên và môi trường đồng thời hình thành các chương trình dạy nghề theo mục tiêu. Bên cạnh đó, ngành cũng khuyến khích đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tin học và các kỹ năng quản lý, thực hành khác để tiếp cận, hội nhập vào khu vực và quốc tế.
Ngành sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo về tài nguyên và môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó tập trung mở rộng mặt bằng, củng cố, nâng cấp và đầu tư các cơ sở đào tạo chuyên ngành về tài nguyên và môi trường. Trong đó chú trọng xây dựng các phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, thư viện, phòng học, có cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu, triển khai, ứng dụng; Tăng cường năng lực và thành lập các khoa đào tạo các chuyên ngành tài nguyên và môi trường tại các trường đại học lớn; liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới…
Ngành xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Các đơn vị thuộc ngành huy động các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường tham gia, cộng tác với các cơ sở đào tạo để đào tạo ở bậc đại học và sau đại học; thuê chuyên gia, mời, thu hút Việt kiều, các nhà khoa học có năng lực và uy tín trên thế giới trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tham gia giảng dạy tại Việt Nam…
Các cơ sở đào tạo lĩnh vực tài nguyên và môi trường cần rà soát, đánh giá và hoàn thiện chương trình, giáo trình để có phương án điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, sự phát triển khoa học công nghệ và nhu cầu nhân lực của ngành tài nguyên và môi trường; Mua bản quyền các chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín của các nước trên thế giới; Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học./.