Nỗi lo về các ''cụ tùng'' trên Yên Tử

Cập nhật: 08/12/2010
Nói đến di sản văn hoá ở núi Yên Tử, TX Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thì không thể không nhắc đến những cây tùng cổ, loài cây dường như đã trở thành một phần không thể thiếu cùng với rừng đại lão mai vàng, rừng trúc, hoa cúc làm nên giá trị tinh thần, giá trị văn hoá, góp phần tôn thêm khí thiêng Yên Tử.

Theo các tài liệu nghiên cứu thì rừng Yên Tử được xếp vào loại rừng nguyên sinh tự nhiên đa dạng sinh học. Còn theo truyền thuyết thì hơn nghìn năm trước công nguyên, đạo sĩ An Kỳ Sinh đã tìm đến đây hái thuốc luyện kim đan trường sinh cải lão hoàn đồng, lập xưởng bào chế (Am dược). Các loại thảo dược Yên Tử được thu lượm về làm thành viên Thảo ngọc sương để chữa bệnh cho dân trong vùng... Vì vậy, đến với Yên Tử, ta luôn có được cảm giác đi giữa hồn hoa bóng lá, không khí thơm tho, thanh khiết lạ thường. Mỗi một loại cây đều có một huyền thoại lưu truyền...
Tìm hiểu tại sao ở Yên Tử, mỗi am và tháp đều được dựng giữa hai gốc tùng, các thiền sư ở Yên Tử đã giải thích: Sở dĩ vậy vì theo quan niệm của người phương Đông, tùng vốn là cây thiêng, có khả năng hút linh khí của trời đất, việc toạ thiền dưới gốc tùng sẽ làm tăng công năng tu tập của mỗi thiền sư. Thêm một nguyên nhân nữa, theo kinh Phật, khi đức Phật Thích Ca nhập niết bàn ở Kushinagar (Ấn Độ), ngài nằm ở giữa hai cây Ta la song thọ đang nở hoa trắng...
Với một giống cây quý, đặc biệt là giống tùng đỏ (Dacrydium elatum (Roxb) Wall) là một loài quý hiếm chỉ có ở Yên Tử, trong những ngày cuối năm Kỷ Sửu-2009, khi lên Yên Tử, tiến sĩ Vũ Thế Long, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu môi trường của Viện Khảo cổ học Việt Nam, thấy hàng tùng xưa vẫn còn nhưng đây đó đã có cây đổ gục, rễ trơ trên nền đất, nhiều cây đang bị nấm và ký sinh xâm hại mà xót ruột. Ông bảo: “Nghĩ thật bất công, “cụ rùa” ở Hồ Gươm được cả nước lo lắng giữ gìn bảo vệ. Còn hàng trăm “cụ tùng” Yên Tử có tuổi ngót nghét 700 năm, gắn liền với lịch sử vô cùng rực rỡ, oai hùng của dân tộc ta thì chẳng được chăm lo cho chu đáo...”.
Đến thời điểm này, ước tính ở Yên Tử chỉ còn khoảng 250 cây tùng cổ. Cũng về chuyện các “cụ tùng” ở Yên Tử, còn một câu chuyện kể rằng, mấy năm trước trong một chuyến hành hương Yên Tử, võ sư Bùi Long Thành đã hướng dẫn môn sinh tiếp nhận nguồn năng lượng sinh học từ các “cụ tùng”. Bởi theo võ sư thì vùng đất Yên Tử là vùng đất tụ khí, những cây tùng này đã có 700 năm tuổi, nạp một lượng linh khí của đất trời rất lớn. Những môn sinh tụ khí đã được nạp “trường điện” mạnh mẽ của “cụ tùng” khoảng nửa giờ đồng hồ. Sau khi thụ khí của các “cụ tùng”, tất cả đều thấy thân thể nhẹ nhàng khoẻ khoắn gấp bội.
Thụ khí công không phải là phát kiến mới, thực ra nó từng được ghi chép trong các sách khí công năng thâm diệu của các thiền sư đắc đạo. Các “cụ tùng” Yên Tử được nhiều người coi là một dạng như “Cội Bồ đề” để say mê Thiền định nhằm dưỡng sinh chữa trị bệnh tật. Nhiều năm gần đây, đi lên Yên Tử vẫn gặp nhiều người đến Yên Tử, leo lên “Đường Tùng” và đứng trầm lặng, mắt nhắm nghiền hàng giờ bên gốc “cụ tùng” với 2 bàn tay áp chặt vào thân “cụ tùng” để thụ khí.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong một chuyến thăm Yên Tử có phát biểu: “Ở Yên Tử những cây đại, cây tùng, cây mai và rừng trúc quí vô giá. Một ngôi chùa lớn chỉ cần xây vài tháng là xong, còn cây đại, cây tùng, cây mai cổ thụ và rừng trúc thì phải mấy trăm năm mới có”...
Hôm nay, khi đi dưới “Đường Tùng” nằm bên dưới tháp Huệ Quang, nơi có nhiều tùng nhất ở Yên Tử trước đây, nay chỉ còn 45 cây mà đã có đến 21 cây bị mục thân với nhiều mức độ khác nhau... Bộ rễ của hàng tùng cổ đã nâng bước hàng triệu khách hành hương đang bị mài mòn, nén chặt không còn đủ khả năng hút chất dinh dưỡng và nước trong đất để vận chuyển lên nuôi dưỡng thân, cành và lá. Có những cây tùng cổ đã gục ngã và mục nát bởi bệnh mà không được chữa trị hoặc xử lý.
Còn nhớ mấy năm trước, cây đại 700 năm tuổi trên chùa Hoa Yên có nguy cơ đổ xuống, sau đó đã được các nhà khoa học tham gia, đã có ngay biện pháp xử lý khoa học để bảo tồn và lưu giữ được nó. Vẫn biết vạn vật không thể trường tồn mãi với thời gian, nhưng nếu cây chết vì già đã đành, còn nếu có thể cứu được mà không cứu thì thật chẳng phải là có lỗi với tiền nhân lắm sao? Thiết nghĩ, bài học về cây đa thành Cổ Loa và cây đa Tân Trào vẫn còn đó...
Vậy thì với trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hoá của Yên Tử, cần có nhiều hơn những công trình nghiên cứu, những dự án nghiên cứu khoa học để giữ gìn. Nếu không thì sẽ tuyệt chủng giống tùng cổ và quý trên non thiêng Yên Tử. Một số nhà nghiên cứu khoa học cũng đã trăn trở: Trong điều kiện hiện tại, nếu các nhà khoa học ngành lâm nghiệp Việt Nam chưa có điều kiện nghiên cứu thì chúng ta cần phải có sự hợp tác quốc tế để cùng nghiên cứu tìm ra phương pháp để bảo tồn và nhân giống tùng Yên Tử, vì đây chính là các loài cây rừng bản sắc riêng, rất đặc trưng của non thiêng Yên Tử, của phái Thiền Trúc Lâm trong lòng người Việt Nam.

Nguồn: vacne.org.vn