Bình Thuận: Bãi biển Kê Gà đang chết dần bởi sự ô nhiễm

Cập nhật: 10/12/2010
Từ lâu Kê Gà (Bình Thuận) được biết đến với nét đẹp hoang sơ thiên nhiên ban tặng. Nơi đây có ngọn Hải đăng được xem là cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên hiện nay bãi biển này đang vô cùng lộn xộn bởi tình trạng lấn chiếm vô tội vạ của người dân, các dự án du lịch đều phải dậm chân tại chỗ, thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương và tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Có mặt tại Hải đăng Kê Gà chúng tôi thật sự bất ngờ bởi sự thay đổi đến chóng mặt ở đây. Bờ biển sạch đẹp không còn tồn tại mà thay vào đó là những hàng quán lộn xộn, không có sự sắp xếp nào nên người dân tự ý lấn chiếm bãi biển xem như là của riêng để buôn bán. Súc vật thì được nuôi thả tràn lan theo bờ biển... từ đây bao nhiêu xú uế được phóng ra khiến cho du khách chỉ biết ngán ngẩm bỏ đi.

Được biết nơi đây vẫn đang tồn tại một làng chài truyền thống, và theo quy hoạch của tỉnh vẫn giữ lại để bảo tồn nền văn hóa làng chài cũng như tạo thêm sản phẩm phát triển du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng ủng hộ việc giữ lại làng chài này. Tuy nhiên do không có quy hoạch cụ thể nên những ngôi nhà tại đây đang lẫn lộn vào các dự án du lịch. Do thói quen người dân, nên những thuyền chài sau khi đánh bắt được kéo lên bỏ đầy trên bãi biển và rác thảy từ đây được vứt vô tư trên bờ biển càng làm nơi đây trở nên ô nhiễm nặng hơn.

Để bảo vệ cảnh quan và tạo ấn tượng với du khách, các khu du lịch đành phải tự mình bỏ tiền thu gom rác để giữ sạch cho bờ biển. Điển hình như khu du lịch Việt Pháp phải bỏ tiền để thuê 4 chiếc xe thu gom rác hàng ngày dọc theo bãi biển này. Nơi đây cũng không có thùng chứa nên rác không tập trung mà nằm rải rác ở những bãi đá, hoặc trong những bụi cây gần khu vực bãi biển khiến cho nơi đây càng nhếch nhác hơn. Vì vậy mà xe thì gom, dân thì mặc sức xả rác..., nên những xe này sau khi quay đi thì bãi biển không bao lâu lại ngập đầy rác.

Không những vậy, người dân còn lấn chiếm cả đất của những dự án du lịch chưa được triển khai để gây sức ép, đòi hỏi các doanh nghiệp có dự án phải tăng tiền đền bù. Chủ doanh nghiệp du lịch Biển Ngọc cho biết: “Hiện nay, nhiều hộ dân mở rộng hàng quán lấn vào khu vực đất đã cấp cho dự án. Có hộ còn lén lút trồng cây lấn chiếm. Do đó dự án Biển Ngọc đang phải dậm chân bởi người dân không chịu mức đền bù... doanh nghiệp cũng đã phản ánh từ lâu nhưng địa phương vẫn chưa có động thái can thiệp. Vì vậy mà các chủ dự án tại đây hiện nay như đang ngồi trên lửa vì tiền đã đầu tư vào đất mà chưa triển khai xây dựng được dự án, “đi không nỡ, ở cùng chẳng xong”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có ít nhất 4 dự án du lịch là Biển Ngọc, Huy Hoàng, Ngọc Minh và Văn Kê đã được tỉnh cấp phép cho xây dựng. Thời gian đầu do chồng lấn với việc triển khai dự án xây dựng cảng Kê Gà, nên các doanh nghiệp điều tuân thủ quyết định của UBND tỉnh dừng việc triển khai xây dựng. Tuy nhiên, sau khi quy hoạch cảng thì tất cả 4 dự án này không hề “đụng” với việc xây dựng cảng Kê Gà. Đến khi, UBND tỉnh có quyết định cho triển khai các dự án, thì các doanh nghiệp này đứng trước khó khăn tiếp nối như đề cập ở trên.

Hiện nay du khách muốn đến hải đăng chỉ biết đứng nhìn từ xa bởi không có một con đường riêng nào dẫn du khách đến. Trong khi đó, quyết định của tỉnh cho mở con đường đã có, nhưng không hiểu vì sao cho đến nay con đường này vẫn chưa được triển khai...?. Nếu muốn tham quan, du khách chỉ có 1 con đường là đi vào thôn Kê Gà và đi dọc theo bãi biển hơn 700m thì mới đến được bãi đá trước ngọn hải đăng Kê Gà. Tuy nhiên, vào những ngày triều lên thì con đường này bị “cắt đứt” bởi nước biển, và do đó du khách chỉ còn một cách là... đứng nhìn từ xa.

Hiện nay, mong muốn chung của các doanh nghiệp du lịch nơi đây là chính quyền cần có sự can thiệp để các dự án được triển khai. Phải có sự sắp xếp lại để đời sống người dân được đảm bảo và đồng thời các khu du lịch cũng được hoạt động. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì khó có ai dám đâu tư vào đây, bờ biển này cũng sẽ bị “bức tử” dần dần và không bao lâu chỉ còn là “bờ biển chết”.

Nguyễn Thanh

 

Nguồn: Diễn đàn các nhà báo môi trường VN