Bàn giao mô hình xử lý bụi đầu tiên cho làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà

Cập nhật: 10/12/2010
Sáng 9/12/2010 tại xã Vân Hà (Đông Anh – Hà Nội), Cục Kiểm soát ô nhiễm đã tổ chức Lễ bàn giao và phổ biến mô hình xử lý bụi cho làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà. Cơ sở sản xuất gỗ Hợi Chung là đơn vị đầu tiên được áp dụng mô hình xử lý bụi.
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Hoàng Minh Đạo cho biết, hiện trạng môi trường lao động của các hộ sản xuất, chế biến gỗ đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Việc đầu tư mô hình thí điểm hút và thu hồi bụi cho hộ nghề và làng nghề là rất cần thiết. Thông qua mô hình xử lý bụi cho làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà sẽ làm giảm đáng kể các tác động tiêu cực đến môi trường, cải thiện sức khỏe cho người lao động và người dân xung quanh khu vực. Đồng thời, việc vận hành mô hình này sẽ nhân rộng ra các làng nghề khác tương tự, nhằm giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.

Kết quả khảo sát thực tế vào tháng 9 vừa qua của Công ty CP Công nghệ Thân thiện Môi trường Bách Khoa cho thấy, có hai nguồn thải chính tại các cơ sở sản xuất là bụi lơ lửng và chất thải rắn. Trong quá trình sản xuất, chế tác sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ như: xẻ, bào chà… bụi gỗ phát sinh ra môi trường xung quanh chứa rất nhiều các hạt bụi có kích thước nhỏ (PM10, PM2,5) gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của công nhân lao động tại khu vực sản xuất.

Mô hình xử lý bụi do Công ty CP Công nghệ Thân thiện Môi trường Bách Khoa thiết kế nhằm giảm thiểu các tác hại đối với sức khỏe và môi trường có công suất 1.000m3/giờ. Theo đó, bụi gỗ phát sinh được xử lý theo công nghệ túi vải thông thường, tại các vị trí phát sinh bụi được bố trí các chụp hút khí cục bộ thu gom vào hệ thống ống giãn, sau đó quạt hút thổi hỗn hợp khí bụi vào bên trong túi vải lọc bụi còn khí sạch thoát ra bên ngoài túi. Bụi gỗ được giữ lại bên trong túi vải lọc và được định kỳ tháo ra đưa đi xử lý. Theo đánh giá của các nhà thiết kế, hiệu suất lọc bụi của thiết bị có thể đạt tỷ lệ trên 99%, nhờ đó, các chất gây ô nhiễm đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Bộ Y tế.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chủ xưởng sản xuất cho biết, mô hình  xử lý này rất phù hợp với mức kinh tế của từng hộ sản xuất, kinh doanh góp phần đáng kể giảm thiểu lượng bụi phát thải ra môi trường trong chế biến gỗ, người lao động trong xưởng yên tâm hơn trong sản xuất.

 

Nguồn: Monre