Thập niên đầu tiên của thế kỉ 21 (2000-2009) đánh dấu quãng thời gian 10 năm môi trường biến đổi nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều vấn đề mới cùng sự tiến triển của các vấn đề đang tồn tại. Dưới đây là 10 tiêu điểm môi trường được nhắc đến nhiều nhất trong thập niên qua, theo nhận định của nhà báo nổi tiếng người Mĩ - Larry West.
1. Môi trường
Bản thân môi trường chính là tâm điểm được chú ý nhất trong thập niên 2000 – 2009. Môi trường đóng vai trò quan trọng trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện đại, từ chính trị, thương mại đến tôn giáo, thậm chí là cả giải trí. Đặc biệt, trong một số năm trở lại đây, môi trường được xác định là vấn đề then chốt trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, thu hút sự quan tâm của quốc hội chỉ sau vấn đề về kinh tế, sức khỏe, trở thành chủ đề chính trong các hoạt động của chính phủ và các buổi thảo luận toàn cầu. Các nhà truyền giáo thậm chí còn đề cao môi trường như một phạm trù đạo đức.
2. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra là vấn đề được quan tâm hơn bất cứ câu chuyện môi trường nào trong thập niên 2000 - 2009. Đây không chỉ là đề tài thu hút giới nghiên cứu khoa học mà còn là chủ đề tranh luận của rất nhiều diễn đàn, hội nghị, trở thành tiêu điểm chú ý của giới truyền thông và dư luận. Biến đổi khí hậu thực sự là một vấn đề toàn cầu và đòi hỏi một giải pháp toàn cầu, tuy nhiên, những tác động từ từ của chúng dường như chưa đủ sức thuyết phục để các nhà lãnh đạo thế giới cùng ngồi lại và đưa ra một chiến lược ứng phó hiệu quả mang tầm quốc tế.
3. Dân số quá tải
Dân số thế giới đã tăng lên 6 tỷ người chỉ trong vòng 40 năm (1959-1999) và dự kiến sẽ còn tăng lên 9 tỉ vào năm 2040, báo động nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn nước, lương thực và năng lượng. Không chỉ vậy, quá tải dân số còn kéo theo tỉ lệ suy dinh dưỡng và mắc bệnh tăng nhanh, đặc biệt sẽ gây ra hàng loạt những hệ lụy về môi trường như biến đổi khí hậu, phá rừng, ô nhiễm, môi trường sống bị thu hẹp.
4. Khủng hoảng nguồn nước
Khoảng 1/3 dân số thế giới, nghĩa là cứ 3 người thì có 1 người trên Trái đất lâm vào tình trạng khan hiếm nước sạch. Vấn nạn này thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn khi lượng dân số tiếp tục tăng nhanh và thế giới không tìm được nguồn nước sạch thay thế. Nước ngày càng trở thành nguồn tài nguyên quý giá nhưng chính con người lại đang sử dụng bừa bãi nguồn tài nguyên này. Thống kê của Liên Hiệp quốc cho thấy, 95% các thành phố trên thế giới vẫn xả nước thải vào chính nguồn nước mà họ sử dụng, gây nên nhiều rủi ro về sức khỏe, bệnh tật.
5. Big Oil và Big Coal chống lại năng lượng sạch
Nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng tăng lên đáng kể trong suốt thập kỉ qua, bất chấp việc Tập đoàn Big Oil và Big Coal của Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của họ như một cách giải cơn khát năng lượng trên toàn thế giới. Mặc dù giữ vai trò khá quan trọng trong thị trường năng lượng hiện nay, song tương lai không mấy sáng sủa của Big Oil cũng được dự liệu khi nguồn dầu dần cạn kiệt. Trong khi đó, Big Coal dù vẫn có thể giữ vững thị trường bằng cách cung cấp hầu hết nguồn điện năng cho Mĩ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, cũng đang gặp rắc rối về việc xử lý chất thải và đối mặt với các cáo buộc gây ảnh hưởng cảnh quan môi trường khác từ công chúng, giới môi trường, truyền thông và chính trị.
6. Nguy cơ tuyệt chủng các loài
Cứ 20 phút trên trái đất lại có một loài động vật bị tuyệt chủng, và với tốc độ hiện tại thì hơn 50% sinh vật sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỉ này. Các nhà khoa học tin rằng, chúng ta đang sống giữa thời kỳ tuyệt chủng lớn thứ 6 trong lịch sử. Giai đoạn đầu của kỳ tuyệt chủng này đã diễn ra cách đây khoảng 50.000 năm hiện tốc độ tuyệt chủng đang bị đẩy lên chủ yếu do các tác động từ con người như sự khai thác tài nguyên quá mức, gia tăng dân số... Theo tác giả Jeff Corwin, thị trường chợ đen buôn bán các bộ phận quý hiếm của các loài động vật như vây cá mập, ngà voi, chân gấu… hiện chỉ đứng sau nạn buôn vũ khí và ma túy với những khoản siêu lợi nhuận thu được.
7. Năng lượng hạt nhân
Thảm họa hạt nhân Chernobyl và Three Mile Island từng làm giảm nhiệt huyết của Mĩ trong việc sử dụng rộng rãi nguồn năng lượng này nhưng chính trong thập niên 2000 – 2009, nhiệt huyết đó đã được hâm nóng trở lại. Việc năng lượng hạt nhân tạo ra 70% năng lượng chủ yếu không chứa các bon tại Mĩ đã thuyết phục một số nhà môi trường tin rằng năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của nước Mĩ cũng như nguồn năng lượng toàn cầu và trong các chiến lược khí hậu, mặc dù còn nhiều quan ngại liên quan đến việc xử lý chất thải hạt nhân.
8. Trung Quốc Không chỉ giữ vững ngôi vị “đông dân nhất thế giới”
Trung Quốc còn vượt qua cả Mĩ để trở thành quốc gia có lượng khí thải các bon lớn nhất toàn cầu. Vấn đề trầm trọng hơn khi đất nước rộng lớn này tiếp tục cho xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và sử dụng ô tô thay thế cho xe đạp. Đây cũng là nơi tập trung nhiều thành phố và con sông ô nhiễm nhất thế giới, thậm chí Trung Quốc còn được mệnh danh là nguồn ô nhiễm xuyên quốc gia, ảnh hưởng đến hầu hết các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nỗ lực của đất nước này trong việc đầu tư hàng tỉ đô la vào việc bảo vệ môi trường, cam kết giảm phát thải, ngưng dùng bóng đèn sợi đốt và ban hành luật cấm sử dụng túi nhựa.
9. An toàn thực phẩm và ô nhiễm hóa chất
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan ngại về việc sử dụng các loại hóa chất và phụ gia trong sản xuất đồ dùng và chế biến thực phẩm bởi nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ những loại chất này là rất lớn. Hầu hết ít nhiều trong chúng ta đều phải tiếp xúc hàng ngày với các loại hóa chất không mong muốn như chất phthalates có trong nhựa dẻo, hóa chất C-8 có trong các dụng cụ nấu ăn và các mặt hàng không dính, chất độc bisphenol A (BPA) trong hàng ngàn các sản phẩm gia dụng. Nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm khác cũng được đặc biệt chú trọng như: các loại cây trồng biến đổi gen, thực phẩm nhiễm vi khuẩn salmonella và vi khuẩn E.coli, sữa và các thực phẩm chứa hóc môn tăng trưởng hoặc các chất kháng sinh, sữa bột trẻ em tẩm chất perchlorate (loại hóa chất dùng trong nhiên liệu tên lửa và thuốc nổ).
10. Dịch bệnh và siêu vi khuẩn kháng thuốc
Thập niên 2000 – 2009 cũng chứng kiến mối quan ngại ngày càng sâu sắc về dịch bệnh và sự xuất hiện ngày càng nhiều những loại vi rút, vi khuẩn kháng thuốc mới như cúm gia cầm, cúm lợn và các loại siêu vi khuẩn. Nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố môi trường từ các nhà máy sản xuất nông nghiệp, trong đó tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh và sử dụng thuốc tràn lan không theo chỉ định là nguyên nhân chính góp phần gia tăng lượng vi khuẩn kháng thuốc.