TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông, kinh tế, du lịch. Tuy nhiên triều cường diễn ra hằng năm đỉnh điểm vào tháng 10, 11 và 12 đúng mùa du lịch cuối năm nên đã làm tê liệt các tuyến đường, gây thiệt hại các khu du lịch, khu vui chơi giải trí và du lịch đường sông phải dừng hoạt động...
Ảnh hưởng triều cường tới Du lịch
Đêm 9/10 kết hợp với mưa lớn, triều cường đã tấn công khiến một đoạn bờ bao dài 5m tại khu vực rạch Bá Hộ thuộc khu phố 2, phường Thạnh Lộc, quận 12 bị vỡ, làm vườn mai và cây kiểng cho khách tham quan vào dịp tết ở đây thối úng.
Hậu quả chưa khắc phục xong thì chiều ngày 10-10, trời mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền kết hợp triều cường dâng cao tiếp tục ảnh hưởng tới các quận trũng và ven sông, rạch. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, cho biết: “Triều cường ngày 10/10 đã làm cho hơn 40 điểm ngập, lưu lượng mưa 124mm, cộng với triều cường lên cao, mức cao nhất đo được tại trạm Phú An là 1,48m, đã khiến nhiều khu vực trong TP.HCM càng bị ngập sâu trong nước”. Đến ngày 7/11, 19/11, 22/11 và mới nhất là tối ngày 21/12 cũng diễn ra tình trạng triều cường tương tự. Tình trạng triều cường lên cao đã làm một số tuyến đường tại các quận huyện như: 7, 8, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình… chìm sâu trong nước. Hệ thống giao thông tại một số tuyến đường trong các quận tê liệt. Một số khu du lịch ven sông không thể kinh doanh, các chuyến du lịch trên sông đành hủy do sợ nguy hiểm, một số điểm vui chơi giải trí ven sông ngập nước, các điểm ăn uống khác cũng bị ảnh hưởng, do khách ngại kẹt xe và ngập úng. Thậm chí nhiều xe máy, ô tô đang lưu thông bị chết máy. Trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là KDL Bình Quới, KDL Văn Thánh - quận Bình Thạnh, khu vui chơi ăn uống ven sông, rạch Sài Gòn thuộc quận 7, 8, làng nghệ sĩ, khu du lịch sinh thái ven sông… do đây là khu vực có địa hình thấp. Tại quận 2, Khu du lịch Thảo Điền Village thành biển nước. Đường Bạch Đằng, Hồng Hà hướng ra sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị kẹt xe do ngập khiến việc đi lại khó khăn nhiều khách trễ giờ bay...
Khi ngập do triều cường toàn bộ Bình Quới, quận Bình Thạnh, các khu vui chơi, ăn uống, nghỉ dưỡng đều vắng khách, bán đảo Thanh Đa chìm ngập cộng với tuyến đường thuộc phường 27, 28 trũng ổ gà khiến khách không thể ra vào. Chính vì vậy đã làm thất thu rất nhiều cho các đơn vị kinh doanh tại đây. Bà Thu Anh, Giám đốc KDL Bình Quới 2 chia sẻ: “Triều cường diễn ra thường xuyên và gây ngập lụt khắp khu, khiến chúng tôi khó kinh doanh. Nhưng tệ hại hơn vào tháng 10, 11 và 12 là mùa du lịch cuối năm lại rơi vào đỉnh điểm của triều cường nên chúng tôi vừa không kinh doanh được, vừa mất một kinh phí không nhỏ cho việc khắc phục sau đó”.
Về du lịch đường sông có các tour của thuyền Buồm Đông Dương đón tại bến Bạch Đằng, tàu, cano của Saigontouris tại Bình Quới cũng phải nghỉ. Chị Thanh Lam, quản lý thuyền buồm Đông Dương nói: “Phần do khách không đi được tới thuyền do ngập trên bộ, phần sợ triều cường nhiều tình huống bất trắc có thể xảy ra nên tàu đều hủy chuyến”.
Khi triều cường rút xuống toàn bộ các khu bị ngập biến thành bãi rác, khắp nơi tràn ngập túi nilon, hộp xốp, dép, cây cỏ... khiến cho việc thu gom, dọn dẹp bãi rất vất vả. Sau rác là những vấn nạn như nước tù đọng hôi thối, môi trường ẩm ướt, váng bùn bẩn bám trên bề mặt, lắm nơi xác con vật chết, nước cống bốc lên hôi thối, ruồi muỗi từ đó có điều kiện nảy nở càng làm cho mọi người ngán ngẩm. Nhiều điểm du lịch đã phải đầu tư cho việc khắc phục hậu quả.
Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc KDL Bình Quới 1 cho biết: “Không những phải dọn rác mà chúng tôi phải đầu tư hàng trăm triệu mỗi năm để đầu tư trang thiết bị, máy hút nước ngập từ ao trong khuôn viên ra sông, cử nhân công tôn tạo KDL, trang trí lại phong cảnh....”. Ngoài ra, một số đơn vị đã đầu tư việc nâng cấp nền, đê bao quanh khu của mình.
Giải pháp chống ngập
Để khắc phục tình trạng ngập nước kéo dài, ngày 9/12 vừa qua, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, UBND TP.HCM đã khởi công cống kiểm soát ngăn triều chống ngập khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khi đưa vào hoạt động sẽ giúp giảm tình trạng ngập úng do mưa hay triều cường trên quy mô 7 quận nội thành bao gồm: quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp. Ngoài ra, đối với “Rốn ngập” Bùng Binh - Cây Gõ (quận 11) thì sẽ được tăng cường thêm 320 van ngăn triều một chiều.
Mặt khác, Sở NN&PTNT TP.HCM đã thành lập trung tâm dự báo triều cường và các thiên tai có thể xảy ra để thông tin cho mọi người biết phòng tránh 24/24 giờ, giảm ít nhất những thiệt hại do triều cường gây ra. Chủ động với những tình huống và đề ra các phương án ngăn ngập có thể xảy ra. Qua đó, từng bước cải thiện hệ thống ngăn đập bờ kè. hường xuyên tập huấn cho đội ngũ chuyên môn về cách xử lý tình huống trong chống sói, lở. Đồng thời, các cơ quan ban ngành phối kết hợp tham gia phòng chống triều cường.
Theo ông Phạm Việt Thắng-Phó Chánh Văn phòng Ban PCLB - Sở NN&PTNT chia sẻ kinh nghiệm: “Bản thân các điểm du lịch, điểm tham quan, KDL... thường xuyên hứng chịu triều cường cần nghiên cứu những hình thức kinh doanh phù hợp như: đắp bờ kè ngăn triều cường, thường xuyên cập nhật dự báo khí tượng thủy văn để phân bố tour, buổi đón khách và những biện pháp khắc phục nếu có triều cường trước và sau khi nước rút”.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo sắp tới đây, do kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông bắc trên Biển Đông, mực nước đỉnh triều cường vùng hạ lưu các sông Nam Bộ sẽ lên nhanh và ở mức cao. Tại hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai, mực nước đỉnh triều cao nhất sẽ vượt mức báo động III. Các ngày 23 và 24/12 là thời điểm có đỉnh triều cao nhất, đạt 1,52m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn. Thời gian triều cường xuất hiện từ 2-8g và từ 15-20g, sẽ lại gây ra những thiệt hại nặng nề nữa. dự kiến khoảng 4 đợt triều cường nữa sẽ hết con nước triều cường trong năm.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM nhận định đây là một trong những đợt triều cường có đỉnh rất cao, có nguy cơ làm bể bờ, gây ngập úng tại nhiều khu vực vùng trũng thấp, vùng ven…
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có Công văn khẩn số 459/PCLB ngày 18/12/2010 gửi các sở, ngành, quận, huyện về việc triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó đợt triều cường cuối tháng 12/2010.
(Theo ông Phạm Việt Thắng-Phó Chánh Văn phòng-Ban PCLB - Sở NN&PTNT)
Bạch Đằng