Hắt hiu ngay chốn thiên đường

Cập nhật: 24/12/2010
Trên thế giới, vùng đất nào được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới, người dân ở đó coi như trúng số. Với việc “ghi nhãn” ấy, vùng đất may mắn sẽ trở thành địa chỉ du lịch đáng tin cậy, người dân được sống trong môi trường “điểm 10”, các tổ chức thế giới quan tâm đầu tư nghiên cứu, bảo tồn...

Tuy nhiên, hiện trạng ở DTSQ Kiên Giang lại ngược hẳn với những gì mọi người mong đợi. Khu  DTSQ lớn nhất Đông Nam Á này không hề đông vui, hấp dẫn, mà lại hắt hiu hơn trước. Vì sao một nơi được xem là “cái rốn” của du lịch sinh thái, nay được gắn thêm mác “khu DTSQ thế giới” lại không thu hút được du khách.  

Khói bụi chốn thiên đường

Dọc QL80 từ Rạch Giá về Hà Tiên, tôi có cảm giác như đi giữa “đại công trường” khai thác đá và “vương quốc ximăng”. Tại địa phận huyện Hòn Đất, hòn Sóc đang bị “gặm” tứ phía. Hàng chục, hàng trăm đơn vị khai thác đá đang “quyết tâm” san bằng 1 trong 4 hòn núi của huyện Hòn Đất. Đá xây dựng được khai thác để nằm đầy hai bên QL80. Đi trên đoạn đường dài từ QL80 vào khu di tích hang Hòn - nơi có mộ chị Sứ - mà cứ ngỡ như đi trong công trường khai thác đá với tiếng đục đá đinh tai nhức óc và khói bụi mù mịt. Tại huyện Kiên Lương, huyện Hà Tiên, cảnh khai thác đá không kém phần sôi động, nhiều núi đá bị “bóc thịt” nham nhở, nhiều ngọn núi sắp bị san bằng. Từng loạt mìn nổ trên núi, theo đó là khói bụi bốc lên mù mịt, gây bất an cho du khách.

Ngay cửa vào “thiên đường du lịch” DTSQ Kiên Giang thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương cũng đang bị chìm trong khói, bụi do Nhà máy ximăng Cá Sấu (theo nhãn trên bao bì) thải ra. Người dân sống quanh đó đã nhiều năm “kêu trời”, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Đến xã Bình An, nạn ô nhiễm càng trầm trọng hơn. Ông Tư Vũ - chủ quán nước - cho biết, bà con nơi đây chịu cảnh này đã hàng chục năm, đến nỗi phần lớn người dân đều bị bệnh hô hấp. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Lộ của Trường Tiểu học Bình An ở gần đó cũng xác nhận: Nhiều học sinh trong trường bị bệnh hô hấp  do hít phải khói bụi từ nhà máy ximăng. Ông Tư Vũ nói: “Tụi tui ở đây chịu đựng quen rồi, chứ khách du lịch tới đây ai mà chấp nhận. Thời buổi này người ta kén chọn chỗ đi chơi, họ chọn những nơi sạch sẽ, an toàn...”.

Ông Lâm Quang Chánh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết, nạn ô nhiễm môi trường ở khu vực xã Bình An là do nhà máy ximăng xây dựng đã lâu, theo công nghệ cũ. Còn cách khắc phục thế nào, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.

Cho tương lai

Cả vùng ĐBSCL chỉ có 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang có núi, số lượng không nhiều. Vì lẽ đó mà núi đá trở thành tài nguyên quý hiếm ở đồng bằng. Đá xây dựng được khai thác ở Kiên Giang, An Giang (thay vì phải chở từ miền Đông về), giúp việc xây dựng ở các tỉnh từ sông Tiền trở vào thuận lợi hơn. Nếu thay đá vôi Kiên Lương bằng nguyên liệu đưa từ xa về để sản xuất ximăng, ắt hẳn người dân đồng bằng phải mua ximăng giá cao hơn, mà lợi nhuận của nhà sản xuất cũng giảm xuống. Phá núi lấy đá tới mức độ cỡ nào thì hợp lý – vừa giữ được tài nguyên, cảnh quan, môi trường sinh thái, vừa đáp ứng cho xây dựng, phát triển trong vùng? Giữa phá núi cho sản xuất, xây dựng và giữ núi cho phát triển du lịch, đâu là ranh giới của sự khôn ngoan và tầm nhìn hạn hẹp? Có thể đã có lúc sản xuất, xây dựng được đưa lên hàng đầu, còn du lịch chỉ là thứ “xa xỉ”, nên đồng bằng chấp nhận mất núi. Thế nhưng đồng bằng không chỉ có quá khứ, hiện tại, mà còn có tương lai.

Cách đây hơn 5 năm, nhiều du khách đến núi Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cũng đã thẫn thờ khi chứng kiến cảnh ngọn núi gắn liền với tên tuổi Thoại Ngọc Hầu bị khai thác không thương tiếc. Một thời gian sau, cảnh khai thác đá ở đây đã không còn, các vết thương loang lổ quanh núi dần liền da, cây cối mọc xanh trở lại. Người ta cũng kỳ công đưa nước vào, cải tạo những hố sâu hun hút do phá núi thành những hồ chứa nước phục vụ du lịch. Năm năm sau, chính những người đang phá núi Hòn Sóc, phần lớn đến từ Thoại Sơn đã trôi dạt qua Hòn Đất (Kiên Giang) làm nghề khai thác đá. Dưới bàn tay của họ và những phương tiện cơ giới hiện đại, chẳng bao lâu nữa núi Hòn Sóc sẽ bị san bằng cùng số phận với hàng chục ngọn núi khác!

Tại buổi lễ công bố khu DTSQ thế giới do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức ngày 24.6.2010, một vị lãnh đạo tỉnh đã khẳng định giá trị vô cùng to lớn của khu DTSQ thế giới Kiên Giang, đồng thời thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn thiên nhiên... Đã có 10 núi đá vôi được nghiên cứu và quy hoạch thành khu bảo tồn. Việc cấp phép khai thác núi đá vôi chỉ có thời hạn ngắn, khi cần thiết tỉnh Kiên Giang hoàn toàn có thể cho ngừng khai thác vì lợi ích lớn hơn và lâu dài. Hy vọng với quyết tâm cao này, DTSQ Kiên Giang sẽ lấy lại được đúng giá trị của mình và thu hút khách du lịch, không còn cảnh hiu hắt ngay chốn... thiên đường.  

 

 

Khu DTSQ thế giới Kiên Giang rộng hơn 1 triệu hécta, lớn nhất Đông Nam Á, trải dài theo bờ biển Tây, trong đó tập trung ở 3 vùng lõi là Vườn quốc gia U Minh Thượng, đảo Phú Quốc và khu vực Kiên Lương – Kiên Hải. Khu DTSQ thế giới Kiên Giang có 116 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ; 78 loài động vật quý hiếm... Đặc biệt, vùng núi đá vôi Kiên Lương là nơi sinh sống của loài voọc bạc Đông Dương đang có nguy cơ tuyệt chủng.

 

Nguồn: Báo Lao động