Thực trạng của môi trường tự nhiên và xã hội ở Việt Nam - một thách thức lớn cho hoạt động du lịch.

Cập nhật: 30/12/2010
Du lịch là một hoạt động gắn bó mật thiết với con người. Đối với con người, sau một thời gian lao động căng thẳng và mệt mỏi, họ muốn được thư giản, hưởng thụ không khí trong lành, một không gian yên tĩnh, một môi trường sạch sẽ và đẹp đẽ, một tình người ấm áp, chan hòa và thân tình với mục tiêu tái hồi lại sức lao động, mở rộng thêm nhận thức của mình về thế giới xung quanh.

Họ là những con người giàu về thời gian, giàu về tiền bạc và giàu về trí tuệ. Vì thế, mỗi con người chịu sự tác động rất lớn của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội là yếu tố khách quan quan trọng trong sự phát triển du lịch. Mỗi một tác động của môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch trên hai giác độ, khách du lịch và những người kinh doanh du lịch. Nhận thức vấn đề này, nhiều nước đã và đang xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm hàng đầu. Ở Việt Nam, mặc dù Nhà nước đã ban hành Luật Môi trường, các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường và các cơ quan chuyên trách về bảo vệ môi trường, nhưng thực trạng môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của đất nước đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và cuộc sống của người dân nói riêng. Đối với hoạt động du lịch, thực trạng này sẽ là một thách thức lớn cho sự phát triển và hiệu quả kinh doanh.      

Bài 1. Tác động của môi trường tự nhiên đến sự phát triển du lịch.

Nước ta “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” là một câu được sách báo nhắc tới trong nhiều năm. Đây chính là những tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú cho sự phát triển du lịch. Nhưng trong thực tế, ngành du lịch của Việt Nam chưa khai thác được hiệu quả vì những nguyên nhân sau:

1. “Rừng vàng” đang bị tàn phá qua việc khai thác gỗ, săn bắt các loài thú, phá vỡ hệ sinh thái của rừng nhiệt đới, đặc biệt vấn đề khai thác các khoáng sản quý, làm thủy điện đã ảnh hưởng rất lớn đến các khu du lịch vùng núi. Những con thác nước lớn đẹp tuyệt với nay đã khô cạn vì các đập chắn giữ nước làm thủy điện. Các dòng suối, con sông thơ mộng với làn nước trong xanh, nay đã đỏ ngầu vì khai khoáng. Thú rừng bị săn bắt, cài bẫy để trở thành các món ăn đặc sản. Đường xá bị cầy xới do vận chuyển gỗ từ rừng về. Những yếu tố trên không chỉ ảnh hưởng lớn đến sự biến đổi khí hậu, đã tạo ra lũ, lụt, ô nhiễm môi trường, phá hoại các hệ sinh thái ở miền xuôi và vùng biển mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch của các vùng này. Điển hình là các khu du lịch ở Sapa, Đắk Lắk... Các vườn Quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên quý giá đã, đang bị thiên nhiên và con người từng bước phá hủy do nhận thức, do đời sống kinh tế còn nghèo đói và do làm du lịch chưa có tính chuyên nghiệp.

2. Ở nước ta có trên 3.260km đường bờ biển với hàng trăm bãi tắm, có những bãi tắm có chiều dài từ 15-18km đủ điều kiện để phát triển du lịch. Có những bãi biển đã nổi tiếng trong nước từ xa xưa như: Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Lăng Cô, Mỹ Khê, Đại Lãnh, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc…v.v  Thế nhưng, so với du lịch biển của các nước trong khu vực trong cuộc đấu tranh cạnh tranh giành nguồn khách du lịch quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế và yếu, kém. Nói đến du lịch của Inđônêxia, người thường nghĩ ngay đến khu du lịch nghỉ biển Bali, một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch hội nghị của thế giới và khu vực. Hàng năm Bali đón tiếp và phục vụ trên 2 triệu lượt khách quốc tế. Hoặc bất cứ khách du lịch nước ngoài nào đến Thái Lan đều mong muốn đến Pattaya một khu du lịch nghỉ biển nổi tiếng không chỉ đối với khách từ châu Âu, châu Mỹ mà cả khách trong khu vực. Mỗi năm khu du lịch biển này đón tiếp và phục vụ trên 4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Ngày nay, du lịch Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo Hải Nam để cạnh tranh nguồn khách du lịch trên thị trường quốc tế và khu vực.

Mặt khác, ô nhiễm môi trường tại các bãi biển này còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là sự tàn phá rừng đầu nguồn, các công trình thủy điện, các mỏ khoáng sản đang khai thác, các ngành sản xuất tác động đến môi trường đất, nước và không khí. Ngay tại mỗi khu du lịch biển, ý thức bảo vệ môi trường còn thấp không chỉ đối với cộng đồng dân cư xung quanh mà cả các nhà kinh doanh tại bãi biển. Việc ứng dụng công nghệ trong xử lý nước thải, chất thải còn rất hiếm.

Việc đánh bắt hải sản và khai thác nguồn lợi từ biển của cộng đồng dân cư vùng biển cộng với sự ô nhiễm môi trường đã tác động đến hệ sinh thái biển. Do công tác nghiên cứu thị trường để quy hoạch xây dựng và phát triển các khu du lịch biển trọng tâm, trọng điểm vẫn còn manh mún, từ đó dẫn đến các vấn đề như: lượng khách không tập trung còn mang nặng tính thời vụ trong kinh doanh, chưa tạo thành tâm điểm hút khách để từ đó lan tỏa ra các vùng, chưa có các dịch vụ đồng bộ dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Vấn đề cảnh báo sự biến đổi khí hậu, sự cố nước biển dâng cao cho các nhà đầu tư và kinh doanh ở các khu du lịch biển hạn chế..v.v.

3. Nếu so mật độ dân số trên km2, thì nước ta có mật độ cao trên thế giới và khu vực. Người đông đất chật, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,..v,v, đang bị ô nhiễm về tiếng ồn, không khí, rác thải, nước thải, sự ùn tắc giao thông đã và đang tạo ra những khó khăn cho các hoạt động du lịch. Người ta thường nói” Du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ”, thế nhưng các mặt hàng lương thực, thực phẩm chưa cung ứng một lượng lớn cho khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch quốc tế để thu ngoại tệ tại chỗ. Nguyên nhân của vấn đề này là ô nhiễm môi trường, vì thế các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo. Tình trạng dịch bệnh của gia súc, gia cầm chưa được ngăn chặn, rau,củ, quả chăm bón chưa đúng quy định gây ra tai tiếng đối với người tiêu dùng. Tất cả những yếu tố trên không những hạn chế việc thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế mà còn hạn chế đến hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch.

Tất cả những tác động của ô nhiễm môi trường tự nhiên không những ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội mà cón tác động mạnh mẽ đến sự phát triển du lịch của đất nước.

 

Bài 2. Tác động của môi trường xã hội đến sự phát triển du lịch.

Theo Luật Du lịch, môi trường du lịch bao gồm:” Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn cần được bảo vệ, tôn tạo và phát triển nhằm bảo đảm môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh”[1]. “Xã hội là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người và con người”. Vậy môi trường xã hội tác động đến sự phát triển du lịch như thế nào, cần xem xét trên một số khía cạnh cơ bản sau:

1.“Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”[2].

Theo thống kế, cả nước có trên 4 vạn di tích, trong đó có 2.873 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích, thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Có 115 viện bảo tàng,  2.971 làng nghề truyền thống, 8.902 lễ hội và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể có giá trị, trong đó có 5 loại hình văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Xuất phát từ những lợi thế trên, Đảng và nhà nước đã xác định:“ Phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước, phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực”[3], trong đó phát triển mạnh du lịch văn hóa truyền thống lịch sử.

Có nhiều quan điểm khác nhau về tài nguyên du lịch, nhưng một quan điểm thực tiễn là “tất cả các nhân tố có thể kích thích được động cơ du lịch của con người được ngành du lịch tận dụng kinh doanh để sinh ra lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội đều gọi là tài nguyên du lịch”. Hoặc “ Bất kỳ nhân tố thiên nhiên, nhân văn và xã hội có thể thu hút được khách du lịch đều gọi là tài nguyên du lịch”. Điều này có nghĩa rằng không chỉ những tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn mà cả các sự kiện xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hoá, thể thao..v.v được tổ chức có khả năng thu hút khách du lịch được gọi là tài nguyên du lịch.

Mặt khác, có những nước, những vùng đất không có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn, nhưng với trí tuệ và sức sáng tạo của con người muốn làm du lịch, họ có thể xây dựng những vùng đất đó trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới và khu vực, hàng năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch quốc tế mà điển hình là Singapore và Las Vegas[4].

Thực tế ở nước ta, mặc dù có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn, nhưng những tài nguyên này nằm rải rác, tản mạn và chưa có quy hoạch và đầu tư mang tính chuyên nghiệp để phục vụ du lịch, vì thế ở các điểm tham quan du lịch môi trường tự nhiên và môi trường xã hội còn nhiều bất cập. Cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, vệ sinh môi trường không sạch sẽ, nạn bán hàng rong chèo kéo khách xẩy ra thường xuyên, nhà vệ sinh phục vụ khách tham quan không có.

Năm 2010, Bộ VHTTDL đưa ra khẩu hiệu “Ở đâu có du lịch ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”, trong thực tiễn khẩu hiệu này rất khó thực hiện. Nguyên nhân chính là chưa xây dựng được các điểm đến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên nghiệp cao, có khả năng thu hút một lượng lớn khách du lịch thường xuyên và đều đặn trong năm. Cả nước có tới hàng vạn di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh, tất cả các nơi đều này trở thành một điểm tham quan du lịch, nhưng lượng khách đến hạn chế và không thường xuyên thì làm sao có thể xây dựng và duy trì được “Nhà vệ sinh đạt chuẩn”.

2. Khi nói về môi trường xã hội trong du lịch, trước hết cần xem xét về văn hóa du lịch. Văn hóa du lịch là tổng thể của cải vật chất và của cải tinh thần có liên quan đến du lịch. Văn hóa du lịch là sự kết hợp của văn minh tinh thần và văn minh vật chất có liên quan mật thiết đến hoạt động du lịch. Văn hoá du lịch nằm trong mối quan hệ biện chứng giữa khách du lịch, tài nguyên du lịch và ngành du lịch ( nhà nước, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư, hiệp hội..v.v). Văn hoá du lịch là một loại hình thái văn hoá đặc thù lấy giá trị nội tại của văn hoá làm chỗ dựa, lấy các yếu tố du lịch làm căn cứ, thúc đẩy quá trình hoạt động du lịch. Văn hoá du lịch cũng có nghĩa là nội dung văn hoá do du lịch thể hiện, là văn hoá giữa khách du lịch và người làm du lịch tích luỹ và sáng tạo trong quá trình hoạt động du lịch.

Khách du lịch thường phàn nàn về thái độ phục vụ của người làm du lịch từ những người trực tiếp phục vụ đến những người gián tiếp phục vụ. Du lịch là hoạt động liên quan chặt chẽ đến con người (bao gồm cả khách và những nhà quản lý cũng như người phục vụ khách du lịch), “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, vì thế muốn phát triển du lịch trước hết phải hiểu con người. Con người là khách du lịch phải “cung cấp cho họ những gì họ cần, không phải phục vụ họ những gì mình có”. Khách du lịch là những người có nguồn gốc dân tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt và tiêu dùng khác nhau, nên cái mà khách cần là rất khác nhau, điều này đòi hỏi người phục vụ du lịch phải nắm bắt được những cái họ cần để phục vụ họ. Thái độ phục vụ khách phải văn minh lịch sự, nội dung phục vụ phải cụ thể và chi tiết với tính văn hóa cao. Phải công khai, minh mạch các loại dịch vụ và hàng hóa cũng như giá cả, chất lượng phục vụ để cho khách lựa chọn theo khả năng, sở thích và thói quen tiêu dùng của họ. Nhưng thực tế hiện nay, những vấn đề này vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện được, nhất là tại các điểm tham quan du lịch tình trạng bán hàng không đúng chất lượng, lừa dối khách về giá cả, ép khách phải mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ của mình vẫn thường xẩy ra.

3. Du lịch được xếp trong khối dịch vụ. Theo từ điển Việt-Việt[5]”Dịch vụ là sự trợ giúp giữa con người với con người, nhưng phải trả tiền”. Thời kinh tế tập trung bao cấp, sự giúp đỡ giữa con người với con người là vô tư, trong sáng, không cần phải trả tiền, nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường nhiều dịch vụ phải trả tiền bị lên án và coi như một việc làm xấu xa hoặc bị gắn tên “thương mại hóa”. Mặt khác, giá cả của nhiều loại dịch vụ hiện nay quá cao, thậm chí còn mang tính chất lừa lọc khách. Tất nhiên, rất khó xác định, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời gian thực hiện dịch vụ, trí thức và khả năng của người làm dịch vụ, công sức và tiêu hao vật chất của việc thực hiện dịch vụ..v.v. Việc xác định giá cả này chủ yếu phụ thuộc vào người làm dịch vụ, nhưng để làm được dịch vụ đòi hỏi phải có uy tín và danh tiếng, vì thế cần những người làm du lịch có văn hóa.

Tất cả những vấn đề cơ bản trên đã và đang là những trở ngại cho sự phát triển du lịch nước nhà.

 

TS. Trịnh Xuân Dũng

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Luật Du lịch, NXB Chính trị Quốc gia, 2006

[2] Như trên

[3] Trích Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2001-2010 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.

[4] Mỗi năm Singapore đón tiếp trên 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, còn Las Vegas đón trên 40 triệu.

[5] NXB Đà Nẵng

Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch