Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2015 ước tính khoảng 1.965 tỷ đồng. Kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện cho chương trình quan trọng này sẽ được áp dụng từ niên độ ngân sách năm 2010.
Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo Quyết định 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (gọi tắt là Chương trình) và được áp dụng từ niên độ ngân sách năm 2010.
Kinh phí chi từ NSNN (bao gồm cả nguồn vốn nước ngoài) gồm nguồn sự nghiệp kinh tế, nguồn sự nghiệp khoa học và nguồn vốn đầu tư phát triển. Thông tư quy định cụ thể các nhiệm vụ chi từ 3 nguồn này. Cụ thể, ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế được dùng để đánh giá mức độ biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành, địa phương...
Nhiệm vụ chi từ nguồn sự nghiệp khoa học là xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu, gồm: Nghiên cứu về những hiện tượng, bản chất khoa học, những điều chưa biết rõ về biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế - xã hội; phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; Lồng ghép các vấn đề về biến đổi khí hậu vào các chương trình bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên và phòng tránh thiên tai, chương trình nghiên cứu biển....
Ngân sách từ nguồn vốn đầu tư phát triển được dùng để cải thiện, nâng cấp hệ thống quan trắc khí hậu và cảnh báo sớm biến đổi khí hậu, thiên tai cũng như thực hiện các mô hình, dự án thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.
Thông tư quy định, ngoài nguồn NSNN, có thể huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để thực hiện Chương trình, hoặc phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác có liên quan để thực hiện có hiệu quả Chương trình.
Ngọc Hà