Chuyên đề: Bảo vệ môi trường Du lịch

Cập nhật: 18/10/2010
Chuyên đề Bảo vệ môi trường du lịch của PGS.TS. Phạm Trung Lương – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đem đến cho bạn đọc những khái niệm môi trường Du lịch, ảnh hưởng...cũng như đưa ra các giải pháp cho các tổ chức nhằm nâng cao ý thức và bảo vệ môi trường Du lịch.

1. Khái niệm về môi trường và môi trường du lịch
1.1. Môi trường

Môi trường được hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc một sự kiện nào đấy và cũng chịu tác động ngược lại của vật thể đó. Môi trường chung bao gồm môi trường tự nhiên, dù bị con người tác động ở các mức độ khác nhau nhưng vẫn phát triển theo các quy luật đặc thù riêng, và môi trường nhân tạo được tạo ra bởi lao động và ý thức của con người từ nguồn vật liệu tự nhiên nhưng khác nhiều hoặc khác hẳn các vật thể tương tự trong thiên nhiên.

Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên: vật lý, hoá học, sinh học tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người, hoặc ít chịu sự chi phối của con người. Môi trường xã hội là tổng thể các mối quan hệ trong xã hội thông qua các hình thái tổ chức, các thể chế kinh tế - xã hội. Môi trường nhân tạo bao gồm các nhân tố vật lý, hoá học, sinh học và xã hội do con người tạo nên và chịu sự chi phối của con người. Ba loại môi trường này cùng tồn tại đan xen và có mối quan hệ tương tác chặt chẽ trong quá trình phát triển của xã hội loài người.

Môi trường sống của con người là tổng hợp các điều kiện vật lý, hoá học, sinh học và xã hội bao quanh và có ảnh hưởng tới sự sống và sự phát triển của từng cá thể và của cộng đồng; hoạt động sống và sản xuất của con người ở mức độ nào đó tác động ngược trở lại môi trường. Môi trường sống của con người còn được phân chia thành môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo.

Như vậy môi trường sống của con người có thể được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và các nhân tố về chất lượng của môi trường. Trường hợp hiểu theo nghĩa hẹp thì môi trường (không kể đến tài nguyên) chỉ bao gồm các nhân tố về chất lượng môi trường đối với sự tồn tại và phát triển của con người như không khí, nước, âm thanh, ánh sáng, cảnh quan, thẩm mỹ, quan hệ chính trị - xã hội v.v...

"Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên" (Điều 1, Luật BVMT Việt Nam, 1994). Như vậy khái niệm về môi trường, hiểu một cách rộng, còn bao gồm cả tài nguyên trong quá trình phát triển của xã hội.

Phạm vi của môi trường có thể lớn, nhỏ khác nhau tùy thuộc vào qui mô và vấn đề đề cập. Có những vấn đề môi trường toàn cầu như vấn đề lỗ thủng tầng ôzôn mà nguyên nhân là các chất khí thải công nghiệp và sinh hoạt do con người tạo ra, và hậu quả là làm ảnh hưởng đến hoạt động sống trên hành tinh; hoặc hiện tượng El Ninô là hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Có những vấn đề môi trường trong phạm vi của nhiều nước như vấn đề chất lượng nước và sử dụng nguồn nước sông Mêkông liên quan đến 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mianma, Trung Quốc… hay nhỏ hơn là vấn đề môi trường trong một nước hoặc một khu vực như môi trường khu du lịch Hạ Long - Cát Bà, môi trường khu mỏ Vàng Danh… là những vấn đề môi trường hạn chế về phạm vi và nguyên nhân tác động.

Trong phạm vi một quốc gia hay rộng hơn trên toàn thế giới luôn song song tồn tại hai hệ thống : hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường :
- Hệ thống kinh tế được cấu thành bởi các thành phần sản xuất, lưu thông-phân phối, tiêu dùng và tích luỹ, tạo nên dòng nguyên liệu, năng lượng, hàng hoá, chất phế thải, lưu thông giữa các phần tử cấu thành hệ.

- Hệ thống môi trường được cấu thành bởi môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên: vật lý, hoá học, sinh học tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người, hoặc ít chịu sự chi phối của con người. Môi trường xã hội là đồng thể các mối quan hệ trong xã hội thông qua các hình thái tổ chức, các thể chế kinh tế - xã hội.

Nơi giao nhau giữa hai hệ tạo thành môi trường nhân tạo. Như vậy môi trường nhân tạo được xem như kết quả tích luỹ một hoạt động tích cực hoặc một hoạt động tiêu cực của con người trong quá trình phát triển. Môi trường nhân tạo bao gồm các nhân tố vật lý, hoá học, sinh học và xã hội do con người tạo nên và chịu sự chi phối của con người. Ba loại môi trường này cùng tồn tại đan xen và có mối quan hệ tương tác chặt chẽ trong quá trình phát triển của xã hội loài người.

Môi trường tự nhiên cung cấp tài nguyên cho hệ kinh tế, đồng thời tiếp nhận chất thải từ hệ kinh tế. Chất thải này có thể ở lại hẳn trong môi trường tự nhiên, hoặc qua chế biến rồi lại trở lại hệ kinh tế. Hoạt động mà chất phế thải từ đó không thể sử dụng lại được vào hệ kinh tế được xem là hoạt động tổn hại đến môi trường.

Các hoạt động phát triển luôn có hai mặt : tích cực và tiêu cực. Bản thân thiên nhiên cũng có hai mặt : thiên nhiên là nguồn tài nguyên và phúc lợi đối với con người, nhưng đồng thời cũng là nguồn thiên tai, thảm hoạ đối với cuộc sống và phát triển xã hội của con người. Như vậy bất kỳ sự phát triển nào của xã hội loài người cũng gắn liền với môi trường hiểu theo nghĩa rộng.


1.2. Môi trường du lịch

“Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” (Pháp lệnh Du lịch, 2/1999). Các hoạt động du lịch liên quan một cách chặt chẽ với môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn).

Khái niệm môi trường du lịch theo nghĩa rộng là “các nhân tố về tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhân văn trong đó hoạt động du lịch tồn tại và phát triển”. Hoạt động du lịch có mối quan hệ mật thiết với môi trường, khai thác đặc tính của môi trường để phục vụ mục đích phát triển và tác động trở lại góp phần làm thay đổi các đặc tính của môi trường.

Sự tồn tại và phát triển của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế gắn liền với khả năng khai thác tài nguyên, khai thác đặc tính của môi trường xung quanh. Chính vì vậy hoạt động du lịch liên quan một cách chặt chẽ với môi trường hiểu theo nghĩa rộng. Các cảnh đẹp của thiên nhiên như núi, sông, biển cả..., các giá trị văn hoá như các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật... hay những đặc điểm và tình trạng của môi trường xung quanh là những tiềm năng và điều kiện cho phát triển du lịch. Ngược lại, ở chừng mực nhất định, hoạt động du lịch tạo nên môi trường mới hay góp phần cải thiện môi trường như việc xây dựng các công viên vui chơi giải trí, các công viên cây xanh, hồ nước nhân tạo, các làng văn hoá du lịch... Như vậy, rõ ràng rằng hoạt động du lịch và môi trường có tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau và nếu khai thác, phát triển hoạt động du lịch không hợp lý có thể sẽ là nguyên nhân làm suy giảm giá trị của các nguồn tài nguyên, suy giảm chất lượng môi trường và cũng có nghĩa là làm suy giảm hiệu quả của chính hoạt động du lịch.

Các môi trường thành phần thường được xem xét trong cấu trúc của môi trường du lịch tự nhiên gồm : môi trường địa chất, môi trường nước, môi trường không khí, môi trường sinh thái, sự cố môi trường... có tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch.

- Môi trường địa chất: Môi trường địa chất được hiểu là một tập hợp các thành tố địa chất của môi trường tự nhiên, bao gồm các yếu tố như cấu trúc địa chất, các hoạt động kiến tạo, tân kiến tạo, địa động lực hiện tại, hoạt động động đất, quá trình thành tạo khe nứt hiện đại, các quá trình karst hóa, quá trình phong hóa, các tai biến địa chất ảnh hưởng đến môi trường hoặc chi phối môi trường.

Môi trường địa chất được xem là phần cơ sở nền rắn của môi trường chung, trong đó bao gồm các đặc tính về đá (độ cứng, độ phong hóa, độ phóng xạ, độ bền vững…); các đặc tính về địa chấn (động đất, núi lửa, nứt đất…); các đặc tính về hoạt động ngoại sinh (trượt lở, lũ đá, xâm thực, rửa trôi, chảy trượt…) và các đặc điểm khác của môi trường địa chất trên khía cạnh xã hội .

Các hoạt động kinh tế và đời sống đã đưa đến những biến động của môi trường địa chất, ví dụ như việc xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình với hồ chứa 9,5 tỷ m3 nước và hàng ngàn tấn đất đá, sắt thép của công trình tạo nên sức nén ép gây ra động đất kích thích sau những năm tích nước từ 1989 - 1991. Những hoạt động chặt phá rừng, mở mang diện tích canh tác đã dẫn đến sự gia tăng của các quá trình ngoại sinh: lũ quét, lũ ống ở Sơn La, Lai Châu, v.v.; lũ bùn đá trên các sườn núi Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn v.v.; trượt lở, nứt đất… ở miền Trung,v.v.…

Trong thành phần cấu trúc của môi trường du lịch tự nhiên, môi trường địa chất được biểu thị qua các chỉ số cụ thể như các chỉ số về độ bền vững của đất đá, các chỉ số địa chất công trình cho việc xây dựng các quần thể du lịch, mức độ, khả năng xảy ra các chấn động địa chất, hiện tượng trượt lở ở những khu vực có các hoạt động du lịch; độ phóng xạ và khả năng khai thác lãnh thổ cho mục đích du lịch; các chỉ số về đặc điểm địa hình…

- Môi trường nước: là bộ phận cấu thành quan trọng của môi trường tự nhiên, có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại của sự sống, và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên trái đất. Những biến động của môi trường nước thường dẫn đến những biến động về chất lượng sống toàn cầu hoặc từng khu vực cụ thể.

Các yếu tố của môi trường nước phân bố khá rộng, từ nước lục địa trong đó có nước mặt (ao, hồ, sông suối), nước dưới đất (tầng nông và tầng sâu), đến nước đại dương, nước biển. Các yếu tố này tồn tại chủ yếu trong thể lỏng, một phần nằm trong các thể hơi, thể rắn và một phần nhỏ ở dạng liên kết ion. Trong nghiên cứu môi trường du lịch, môi trường nước được đánh giá nhiều ở góc độ liên quan đến khả năng cấp và chất lượng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí và tắm biển, nghỉ dưỡng và chữa bệnh của du khách.

- Môi trường không khí: Môi trường không khí là bộ phận của môi trường tự nhiên tồn tại dưới dạng thể khí. Trong môi trường du lịch, môi trường không khí có ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định các khu du lịch nghỉ dưỡng, đến tổ chức mùa vụ khai thác du lịch… Các yếu tố của môi trường không khí có vai trò khá lớn trong việc xem xét quyết định hướng quy hoạch khu du lịch, bố trí không gian và phác đồ kiến trúc quần thể du lịch. Đánh giá chất lượng môi trường cho hoạt động du lịch qua nghiên cứu mức độ ô nhiễm của không khí, mức độ thuận lợi và thích hợp của thời tiết và khí hậu đối với việc tổ chức hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ của du khách.

- Môi trường sinh học: được xem là bộ phận sống (hữu cơ) của môi trường tự nhiên. Môi trường sinh học là cơ sở duy trì và phát triển cuộc sống trên hành tinh, điều hòa cán cân nước, làm sạch bầu khí quyển, cung cấp lương thực thực phẩm cho xã hội do đó môi trường sinh học có vai trò rất to lớn trong việc thiết lập và bảo vệ cân bằng sinh thái của tự nhiên. Những biến đổi của môi trường sinh học cả về lượng và chất có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch trên hành tinh.

Một trong những yếu tố quan trọng của môi trường sinh học là đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học là một đặc tính quan trọng của môi trường sinh học, có ảnh hưởng lớn đến tổ chức các hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động du lịch sinh thái, du lịch tham quan nghiên cứu. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên nhiều điểm du lịch sinh thái, cảnh quan có ý nghĩa quốc gia và quốc tế ở Việt Nam gắn liến với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng văn hoá cảnh quan môi trường.


- Các tai biến, sự cố môi trường:

Tai biến môi trường là những biến đổi bất thường của thiên nhiên được xem là kết quả của quá trình của hoạt động tự nhiên hoặc hậu quả gián tiếp tác động của con người lên tự nhiên như là dông, bão, lũ quét, nước dâng do bão và gió mùa, trượt đá, lở đất, núi lửa phun, mưa axít, xói lở bờ biển…

Sự cố môi trường là những rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng như cháy rừng, rò rỉ hoá chất, tràn dầu trên sông hay biển, nhiễm độc môi sinh do sự cố cơ sở sản xuất hoá chất, sự cố trong lò phản ứng hạt nhân…

Các tai biến và sự cố môi trường đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động du lịch nói riêng và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Đối với môi trường du lịch nhân văn, những thành phần môi trường chính cần được chú trọng đề cập xem xét bao gồm :

- Môi trường kinh tế - xã hội : các nhân tố chủ yếu cần được xem xét là hệ thống các thể chế chính sách có liên quan đến phát triển du lịch; tình trạng chiến tranh, khủng bố có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng của du khách; trình độ phát triển khoa học công nghệ được sử dụng trong hoạt động du lịch; mức độ phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện nước, hệ thống bưu chính viễn thông và hệ thống xử lý môi trường; môi trường đô thị và công nghiệp, trong đó chú trọng đến tình trạng/mức độ ô nhiễm môi trường tự nhiên, mức độ an toàn giao thông, an toàn xã hội ở các đô thị; mức sống của người dân - là yếu tố quan trọng quyết định mức độ "cầu" để phát triển du lịch; hệ thống quản lý nhà nước về môi trường - yếu tố quan trọng đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động BVMT nói chung và bảo vệ môi trường du lịch nói riêng.

- Môi trường nhân văn : các nhân tố chủ yếu cần được xem xét bao gồm : tình trạng/mức độ phát triển các tệ nạn xã hội ở các địa điểm diễn ra hoạt động du lịch; mức độ bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá truyền thống - yếu tố được xem là quan trọng để thu hút khách du lịch; mức độ thân thiện của cộng đồng đối với sự hiện diện của khách du lịch; trình độ văn minh và dân trí ở các địa điểm tham quan du lịch; chất lượng cuộc sống cộng đồng; tình trạng (số lượng và chất lượng) đội ngũ lao động du lịch.

Như vậy có thể thấy môi trường du lịch là khái niệm tổng hợp bao gồm nhiều yếu tố về tự nhiên và văn hoá - xã hội có ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch. Tuy nhiên trong thực tế khi phân tích/đánh giá hiện trạng môi trường du lịch, môi trường du lịch tự nhiên thường được quan tâm hơn bởi môi trường du lịch tự nhiên là một phần của môi trường chung hiện đang được xã hội quan tâm. Nội dung của Luật Bảo vệ Môi trường ở Việt Nam hiện cũng mới chỉ đề cập đến khía cạnh môi trường tự nhiên. Những nội dung liên quan đến môi trường kinh tế - xã hội, môi trường nhân văn thường là những vấn đề phức tạp và việc đánh giá hiện đang ở mức định tính.


2. Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển du lịch
2.1 Ảnh hưởng của môi trường đến hoạt động phát triển du lịch

Sự phát triển của bất kỳ ngành kinh tế nào cũng gắn liền với vấn đề môi trường. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, và xã hội hoá cao như du lịch. Môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách, đến sự tồn tại của hoạt động du lịch.

Những ảnh hưởng chủ yếu của môi trường đến hoạt động phát triển du lịch được thể hiện trên Sơ đồ …

 


Như vậy có thể thấy trạng thái môi trường (chất lượng, điều kiện, sự cố-tai biến) ở những mức độ và khía cạnh khác nhau sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động phát triển du lịch

2.2 Tác động của hoạt động phát triển du lịch đến môi trường

Hoạt động phát triển du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng lượng khách du lịch, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên..., từ đó dẫn đến sự gia tăng áp lực của du lịch đến môi trường. Trong nhiều trường hợp, do tốc độ phát triển quá nhanh của hoạt động du lịch vượt ngoài nhận thức và năng lực quản lý nên đã tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái lâu dài.
 

 

Các tác động chủ yếu từ hoạt động phát triển du lịch đến môi trường bao gồm :

- Trong giai đoạn xây dựng phát triển du lịch :

Trong giai đoạn xây dựng các khu du lịch, các hoạt động chủ yếu bao gồm san lấp chuẩn bị mặt bằng; khai thác vật liệu để xây dựng các công trình hạ tầng và dịch vụ du lịch;xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống cung cấp nước và năng lượng, hệ thống thu gom và xử lý chất thải...); xây dựng các công trình dịch vụ du lịch; các hoạt động vận chuyển; v.v.

Các hoạt động này sẽ tác động làm ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường sống (nơi cư trú) của nhiều loài sinh vật, làm tăng nguy cơ mất cân bằng trong phát triển các hệ sinh thái,... Tác động này thường nhận thấy rõ khi phát triển xây dựng các khu du lịch ở những khu vực có môi trường nhạy cảm như rừng ngập mặn ven biển, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

- Trong quá trình hoạt động du lịch:
- Tăng áp lực ô nhiễm môi trường do lượng chất thải (rác và nước thải) từ hoạt động của khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch và từ các cơ sở dịch vụ du lịch.

- Tăng khả năng ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất và các hệ sinh thái từ các phương tiện dịch vụ vận chuyển, vui chơi giải trí, các cơ sở lưu trú...

- Tăng khả năng phát sinh các dịch bệnh do khách mắc phải từ nơi khác.

 Tăng nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học do có nhu cầu về thực phẩm (đặc biệt là đặc sản), hàng lưu niệm (được làm từ các loài sinh vật quý hiếm) của du khách; do sự tập trung lượng lớn du khách trong mùa giao phối; v.v.

- Tăng nguy cơ xói mòn vùng cát ven biển do phát triển các khu du lịch biển.

- Tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, tăng áp lực đối với hệ thống hạ tầng xã hội, đặc biệt trong mùa du lịch, thời gian lễ hội, ngày nghỉ cuối tuần.

3. Bảo vệ môi trường du lịch
3.1 Sự cần thiết của công tác bảo vệ môi trường du lịch

Như đã phân tích ở trên, môi trường du lịch là một khái niệm rộng bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế – xã hội, môi trường văn hoá. Tuy nhiên trong khuôn khổ của nhiệm vụ này, môi trường du lịch mới đề cập chủ yếu tới môi trường tự nhiên, theo đó việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường du lịch có ý nghĩa :

- Triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường trong lĩnh vực du lịch

- Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam

- Góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam

 

3.2 Nội dung QLNN về bảo vệ môi trường du lịch

Bảo vệ môi trường là những hoạt động góp phần giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện sự xuống cấp của môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chăn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Như vậy những nội dung QLNN cơ bản về bảo vệ môi trường du lịch sẽ bao gồm :

- Xây dựng chính sách, quy chế về bảo vệ môi trường du lịch :

- Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch

- Xây dựng và ban hành quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch

- Tổ chức hoạt động phòng chống ô nhiễm môi trường :

Đây là một trong những nội dung quan trọng cơ bản của công tác bảo vệ môi trường du lịch. Những hoạt động chính của nội dung bảo vệ môi trường du lịch này bao gồm :

- Thu gom và xử lý chất thải từ hoạt động du lịch (rác thải, nước thải)

- Hạn chế và xử lý chất thải khí từ các hoạt động du lịch như vận chuyển khách du lịch, vận hành hệ thống làm lạnh tại các cơ sở dịch vụ du lịch, v.v.

- Thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường ở các khu, điểm thăm quan du lịch

- Thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án phát triển du lịch

- Sử dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường

- Tổ chức hoạt động phòng chống, hạn chế tác động sự cố môi trường :

- Phối hợp với các ngành chức năng bảo vệ các công trình phòng chống sự cố môi trường; không vận chuyển, sử dụng, cất giữ các chất độc hại, chất dễ gây cháy nổ có khả năng gây sự cố môi trường.

- Phối hợp với các ngành chức năng thu gom, xử lý các chất độc hại đến môi trường do hậu quả của các sự cố như tràn dầu, rò rỉ hoá chất, phóng xạ, v.v. ở những khu vực diễn ra hoạt động du lịch.

- Tổ chức hoạt động phòng chống, hạn chế tai biến môi trường :

Đ Phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương bảo vệ các công trình BVMT, công trình có liên quan đến BVMT

Đ Tham gia các hoạt động hạn chế, phòng chống xói mòn, sụt lở, trượt đất, phèn hoá, mặn hoá, ngọt hoá, đá ong hoá, sình lầy hoá, sa mạc hoá.

- Tổ chức thực hiện hạn chế sự suy thoái và bảo vệ phát triển các hệ sinh thái :

- Không đốt phá rừng, khai thác bừa bãi các nguồn nước trong hoạt động phát triển du lịch

- Tăng cường trồng cây xanh trong các khu vực diễn ra hoạt động du lịch

- Sử dụng tiết kiệm nguyên liệu tự nhiên trong hoạt động phát triển du lịch

- Tổ chức thực hiện bảo vệ đa dạng sinh học :

- Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái

- Phối hợp với các ngành chức năng và địa phương bảo vệ các giống, loài thực vật, động vật hoang dã trong lãnh thổ diễn ra hoạt động du lịch
- Không khai thác, kinh doanh các loài thực vật, động vật quý hiếm trong danh mục quy định của Chính phủ (Nghị định số 48/2002/NĐ - CP ngày 22/4/2002).

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về môi trường du lịch :

Tham gia các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường trong xã hội, đặc biệt đối với khách du lịch và cộng đồng địa phương nơi diễn ra các hoạt động du lịch.

- Đóng góp cho những nỗ lực giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường như tổ chức Tuần lễ xanh tại các trọng điểm du lịch

- Tham gia thực hiện những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường : Công ước về giảm khí thải vào bầu khí quyển; Công ước về bảo vệ các loài chim di cư (RAMSA); Công ước về chống buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), v.v.
- Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường du lịch :


3.3 Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường du lịch

Tổng cục Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường du lịch chịu trách nhiệm :

- Phối hợp với các bộ ngành chức năng xây dựng các văn bản pháp quy, các hướng dẫn về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch và trình Chính phủ ban hành theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường du lịch phù hợp với Chiến lược phát triển ngành và Luật BVMT.

- Tổ chức các lớp tập huấn về công tác BVMT du lịch cho các cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp du lịch.

- Phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT du lịch và các nội dung của Luật BVMT có liên quan đến hoạt động du lịch.

- Phối hợp với các ban ngành chức năng và các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học do tác động của hoạt động du lịch; xử lý và khắc phục hậu quả của tai biến, sự cố môi trường có ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch ở các trọng điểm du lịch cấp quốc gia.

- Phối hợp với các ban ngành chức năng, các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về nhiệm vụ bảo vệ môi trường du lịch.

- Thực hiện công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch ở tầm quốc gia.

- Tổ chức công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch ở tầm quốc gia và các trọng điểm du lịch.


Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường du lịch nêu trên trên địa bàn địa phương mình.

Các doanh nghiệp du lịch có nhiệm vụ chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế về bảo vệ môi trường du lịch được ban hành, trước hết là Quy chế về BVMT trong lĩnh vực du lịch tại Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và Chỉ thị số 07/2000/CT-TTg ngày 30/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và về sinh môi trường tại các địa điểm tham quan du lịch cũng như các nội dung có liên quan trong Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam năm 1993.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Trung Lương, Hoàng Hoa Quân
“Hoạt động du lịch biển Việt Nam và các vấn đề về môi trường”
Tuyển tập báo cáo Hội thảo quốc gia “Quản lý môi trường du lịch biển theo ISO 14000”, Hạ long, 22/9/1999.
2. Phạm Trung Lương
"Định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 với những cân nhắc về môi trường".
TT. Hội thảo QG “Chiến lược bảo vệ MT Quốc gia đến năm 2010”, HN 27-28/8/1999.
3. Phạm Trung Lương, nnk
“Tài nguyên và môi trường du lịch”
NXB Giáo dục, Hà Nội, 4/2000
4. Phạm Trung Lương, nnk
“Sổ tay hướng dẫn đánh giá tác động môi trường cho phát triển du lịch”
VNAT/MOSTE/NCST/EU Project VNM/B7 6200/IB/96/05, Hà Nội 5/2000.
5. Phạm Trung Lương, nnk
“Cơ sở khoa học xác lập khung chỉ tiêu môi trường cho hoạt động phát triển du lịch”
Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về môi trường ngành du lịch, Hà Nội, 12/2002
6. Phạm Trung Lương, nnk
“Hiện trạng môi trường du lịch Việt Nam”
Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về môi trường ngành du lịch, Hà Nội, 12/2002
7. Phạm Trung Lương, nnk
“Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”
Đề tài KHCN độc lập cấp Nhà nước, Hà Nội, 12/2002.

 

Nguồn: PGS.TS. Phạm Trung Lương – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch