“Bỏ” tiền tỷ để giữ đàn cò

Cập nhật: 25/01/2011
Cuối năm 2010, tại Hà Nội, bà Vũ Thị Khiêm (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã được Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN&MT) vinh danh khi nhận giải thưởng môi trường. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp của bà cho việc gìn giữ bảo vệ đàn cò và bảo vệ môi trường suốt hơn 50 năm qua.

50 năm bảo vệ vườn cò

Rừng cò bà Khiêm với diện tích 5ha với các loại tre xanh và cây cối um tùm. Mùa này là lúc đàn cò di cư vào phía Nam trú đông nên vườn cò vắng lặng, chỉ còn mấy mươi con trú ngụ lại cùng bà. Lặng lẽ rẫy cỏ chăm sóc cây rừng, bà Vũ Thị Khiêm tỏ rõ nỗi niềm khi thiếu đi những cánh cò chao liệng, với bà những chú cò ấy từ lâu đã là một phần của cuộc sống gia đình bà. Bà tâm sự: “bây giờ khi những con cò đi di trú đất phương Nam tôi vừa ngóng đợi vừa lo lắng như chính con đẻ của mình xa nhà vậy”. Năm nay đã bước sang tuổi 70, tóc đã điểm bạc, da đã nhuốm đồi mồi nhưng bà Khiêm vẫn hoạt bát và khỏe mạnh lắm. Hơn 50 năm qua bà đã gắn cuộc đời mình với vườn cò, ngày đêm nâng niu chăm sóc gìn giữ chúng còn hơn cả những báu vật. “Từ thủa thiếu thời, vườn cò này đã là những ký ức đẹp với tôi, lớn lên cùng với vườn cò này, bén duyên cũng từ vườn cò trắng với những câu chuyện tình tự dưới những cánh cò chao liệng trên bầu trời, với tôi vườn cò đã là cả cuộc đời”.      

Vừa tỉa những tán cây trong vườn cò, bà cho biết, với diện tích 5ha nhưng từ lâu nơi đây đã là nơi “đất lành chim đậu” của hàng nghìn con cò, ngay trong thành phần mỗi loài cũng hết sức đa dạng, có cò trắng, cò nghênh, cò ruồi, cò lửa, cò bợ, cò diệc... Vạc cũng có tới ba loại, vạc xám, vạc lưng xanh và vạc sao. “Cứ vào đầu mùa xuân, cò, vạc ở khắp nơi lại tụ họp về đây, tạo nên cảnh tượng nhộn nhịp, huyên náo, chỉ còn thời gian ngắn nữa, đàn cò sẽ trở về đây, nên ngay từ bây giờ tôi phải trồng thêm cây, cắt cỏ, dọn dẹp để tạo cho chúng một ngôi nhà bình yên khi trở về” bà cho biết.

Hơn 50 năm trồng rừng, nuôi cò, bảo vệ nguồn lợi động vật hoang dã mà đến nay bà chỉ được trợ cấp vẻn vẹn 270.000đ/tháng. Nhưng không vì thế mà bà than phiền, bởi với bà con cò cũng giống như con người. Con người cũng phải xây nhà trên những nền đất vững chãi, lập nghiệp trên đất đai màu mỡ, con cò cũng như người, “đất lành chim đậu”, có chỗ ăn, chỗ ngủ, không bị đe doạ tính mạng là chúng bay đến, để xua đuổi chúng thì dễ nhưng để chúng gắn bó với mảnh đất này thì đó là việc làm rất khó khăn – Bà tâm niệm.

Nỗi lo của bà Khiêm

Chăm sóc vườn cò có nhiều vất vả gian nan, đặc biệt là với một bà lão đã thất thập như bà nhưng không bao giờ bà suy nghĩ đến chuyện bán gỗ, tre trong vườn cò hay nhượng cho người khác dù trong suốt mấy mươi năm qua những người đến gạ gẫm mua bán vườn cò không phải là ít. Thậm chí đã có người trả đến 10 tỷ đồng để biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái nhưng bà kiên quyết không bán, bởi với bà vườn cò đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống.

Không chỉ bị cám dỗ bằng vật chất, nhiều năm qua bà Vũ Thị Khiêm còn phải đối đầu với những hiểm nguy từ dã tâm của những kẻ muốn sở hữu vườn cò. Bà cho biết, một mình trông nom vườn cò, đã rất nhiều lần bà bị những tên trộm cò âm mưu hãm hại. Vừa nói bà vừa chỉ cho tôi xem những chiếc bẫy cò bằng sắt mà bà đã thu được từ bọn săn cò. “Cứ mỗi mùa cò hội tụ là lúc bọn săn bắt lại tăng cường bẫy cò, nhiều lúc bắt được tận tay họ bẫy cò những cũng chỉ dùng lời lẽ để khuyên bảo chứ không thể làm gì được. Trước đây, vườn cò Hải Lựu có khoảng 4.000 con, giờ đây số lượng chỉ còn hơn 2.000 con. Số lượng cò trong vườn ngày càng ít đi do rất nhiều cây cổ thụ trong vườn bị đổ. Cò mất chỗ neo đậu cộng với nạn săn bắt đã khiến cò hoảng loạn, nên di cư nơi khác”.

50 năm của cả cuộc đời bà dành cho vườn cò, người ta thường ví cuộc đời bà cũng như số phận những con cò, một mình nuôi dưỡng con cháu trong vất vả gian khó nhưng tấm lòng của bà thì đáng được vinh danh, trân trọng. Hy vọng, thời gian tới, các cơ quan chức năng có biện pháp để bảo vệ đàn cò, để vườn cò Hải Lộc mãi là nơi đất lành chim đậu.

Giải thưởng môi trường là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, có nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam. Năm 2010, có 74 cá nhân, tập thể ưu tú được trao giải thưởng môi trường trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường Toàn quốc lần III. Sau 10 năm thực hiện, từ 2001-2010, giải thưởng môi trường có tổng số 158 tổ chức, cá nhân và 42 doanh nghiệp được vinh danh.

Hải Ninh

 

Nguồn: Báo Du lịch