Tổng cục Môi trường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh), trong thời gian 3 năm từ 2008 – 2011. Đây được coi là hệ sinh thái rừng ngập mặn điển hình của khu vực phía Bắc Việt Nam, có tổng diện tích 3.000 ha.
Trước đây, rừng ngập mặn tại Đồng Rui có chất lượng tốt, rất phong phú về số lượng loài cây, các loài hải sản và động vật đem lại nguồn lợi thu nhập tốt cho người dân địa phương. Nhưng trong vòng 15 năm qua, rừng ngập mặn xã Đồng Rui đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về diện tích (xấp xỉ 50%) và chất lượng. Hiện tại, những diện tích rừng còn sót lại vẫn đang tiếp tục bị đe dọa tàn phá, suy thoái làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sản xuất và đời sống các cộng đồng tại địa phương.
Để phục hồi một phần và quản lý bền vững diện tích rừng ngập mặn, các chuyên gia của dự án đã hướng dẫn người dân tiến hành trồng mới, trồng dặm 20 ha rừng ngập mặn, nâng cao nhận thức về vai trò của rừng ngập mặn đối với môi trường, đời sống cộng đồng và xây dựng, hướng dẫn mô hình kinh tế sinh thái cho cộng đồng nhằm giảm áp lực lên rừng ngập mặn. Một số hộ dân được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng hầm biogas, giảm hoạt động khai thác gỗ rừng ngập mặn làm nhiên liệu.
Cuối năm 2010, diện tích rừng ngập mặn được trồng đều phát triển tốt, một số ít cây bị chết, bị hà bám cần được chăm sóc và tiếp tục bảo vệ. Tại rừng ngập mặn, các loài thủy, hải sản được sử dụng hợp lý, bền vững, đảm bảo cho việc khai thác lâu dài không làm suy kiệt nguồn tài nguyên, hủy hoại môi trường. Cộng đồng tại địa phương hạn chế khai thác tài nguyên rừng ngập mặn, đất rừng bừa bãi, không hợp lý gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Nhân dân trong các thôn được trang bị kiến thức, tham gia hoạt động tự quản, đảm bảo tính bền vững của dự án, việc sử dụng, quản lý nguồn tài nguyên đảm bảo cuộc sống hiện tại và cho các thế hệ mai sau.