Ngày 16/3, tại Hải Phòng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam (VACNE) đã long trọng tổ chức Lễ công nhận cây gạo cổ thụ đầu tiên ở nước ta là Cây di sản Việt Nam đúng dịp lễ hội truyền thống tại đền Chùa Mõ.
Đây là cây gạo cổ thụ hơn 700 tuổi nhưng hiện nay vẫn xanh tốt và nở hoa đỏ rực rỡ vào tháng 3 hàng năm. Chiều cao cây khoảng 30 mét, gồm 2 thân: một thân chính (có đường kính hơn 2 mét) và một thân phụ (có đường kính nửa mét). Diện tích che phủ của tán cây khoảng 1.200m2.
Ban quản lý di tích đền Chùa Mõ cho biết: cây gạo này do chính tay Quỳnh Trân công chúa trồng năm 1284, sau khi được vua Trần Thánh Tông cho phép xuất gia về đây quy y nơi cửa Phật (năm Quý Mùi – 1283).
Theo thần phả còn lưu lại: công chúa đã chọn Nghi Dương lập am, chiêu mộ dân về đây khần hoang, lập ấp và lấy mõ làm hiệu lệnh. Bà đã trồng cây gạo ở đây, để lấy bóng mát cho người dân nghỉ ngơi khi làm đồng và cầu mong cho mọi người đều có gạo ăn. Từ đó, người dân trong vùng gọi Quỳnh Trân công chúa là bà Chúa Mõ. Ngôi chùa cổ Hồng Phúc và ngôi đền thờ công chúa Quỳnh Trân sau khi bà qua đời cũng được gọi là đền Chùa Mõ.
Lễ hội đền Chùa Mõ, thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng được cộng đồng dân cư trong vùng tổ chức hàng năm vào ngày 12 đến ngày 14 tháng hai âm lịch (ngày Khánh hạ đến ngày Thánh hóa). Cùng với các nghi lễ: rước thánh hoàng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tại lễ hội này còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: chọi gà, đánh cờ, tổ tôm điếm…
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, cho biết đến nay VACNE đã công nhận 70 cây di sản ở bốn tỉnh thành gồm Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Hải Dương, và Hải Phòng. Tới đây, ngày 19/3, VACNE sẽ tổ chức lễ vinh danh một cây thị khoảng 900 năm ở Ba Vì, Hà Nội.