Bảo hiểm du lịch (BHDL) - là một vấn đề quan trọng liên quan đến quyền lợi của khách du lịch và kể cả các công ty lữ hành (CTLH) nhưng bấy lâu nay chưa được quan tâm đúng mức.
“Lờ” và “quên” bảo hiểm
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện nay có khá nhiều loại hình BHDL, cụ thể như: bảo hiểm (BH) khách du lịch trong nước, BH người Việt Nam du lịch nước ngoài, BH người nước ngoài du lịch Việt Nam, BHDL nhóm, BH cho người mang thẻ tín dụng...
Đa phần đối với những tour trong nước, mức BH hiện nay mà các công ty phải đóng là 1.500 đồng/ngày/người, tương đương mức bồi thường là 10 triệu đồng/người/vụ. Cá biệt, một số CTLH còn mua BH với mức phí 750đ/khách/ngày, đền bù tối đa 5 triệu đồng/vụ, BH khách đi tour du lịch nước ngoài khoảng 10 ngàn USD/người/vụ. Theo các CTLH uy tín, việc duy trì mức BH này trong tình trạng hiện nay là thấp và thiệt thòi cho khách.
Trong khi đó, số đông du khách trong nước khi có nhu cầu đi du lịch chỉ có thói quen chú ý đến giá cả các tour cùng các dịch vụ khuyến mãi đi kèm, kể cả các chuyến đi du lịch ra nước ngoài và xem vấn đề BH như một thủ tục cần thiết cho chuyến đi, chứ không hề ý thức đó là quyền lợi của mình và yêu cầu các CTLH phải thực hiện.
Theo lý lẽ của nhiều CTLH, nếu kèm BH thì giá tour chắc chắn phải “đội lên”, sức mua tour sẽ giảm. Do vậy, nhiều công ty đã cố tình “lờ” chuyện BH và chỉ mua khi khách có nhu cầu.
Cần thay đổi nhận thức
Các CTLH chia sẻ, khách nước nhà cần phải học khách Tây ở điểm khi quyết định mua tour họ thường hỏi tỉ mỉ về giá trị BH cũng như những quyền lợi họ được hưởng nếu chẳng may có xảy ra sự cố.
Lẽ đương nhiên trong quá trình thiết kế tour, phía CTLH đã lường trước những bất trắc có thể xảy ra, tuy nhiên không có gì là tuyệt đối, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu chỉ thấy cái lợi trước mắt rồi quyết định mua tour mà chẳng xem xét xem tour đó có an toàn không, BH ra sao thì quả là rất nguy hiểm. Thường gặp nhất là các vụ tai nạn giao thông trong quá trình di chuyển bằng xe cộ, tàu bè. Những tour khám phá thiên nhiên, du lịch dã ngoại thì phát sinh các sự cố như té ngã gãy xương, rắn cắn, chết đuối...
Theo các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn trong ngành DL hiện nay một phần là do công tác quản lý kiểm tra chất lượng độ an toàn của các phương tiện di chuyển, các cơ sở lưu trú cùng những dịch vụ phục vụ du khách chưa chặt chẽ. Mặt khác là do sự chủ quan của các đơn vị kinh doanh du lịch, trình độ yếu kém, thiếu nhạy bén, thiếu kĩ năng mềm của một bộ phận không nhỏ hướng dẫn viên trong việc xử lý các tình huống phát sinh. Đáng lưu ý là tâm lý chủ quan, thờ ơ, xem thường các cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn an toàn... từ chính bản thân người bị nạn cũng là nguyên nhân dẫn đến những sự cố đáng tiếc.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà – Trưởng phòng tiếp thị Saigontourist cho biết: “Khi mua tour, du khách cần xem kỹ các điều khoản BH trong hợp đồng nhằm có cơ sở pháp lý khi xảy ra trục trặc. Đã đến lúc du khách đừng quá xem trọng giá cả mà phải cân nhắc đến các yếu tố khác như uy tín thương hiệu, chất lượng và khả năng đảm bảo an toàn của nhà tổ chức...”.
Trần Hoàn