Sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử phong phú, Hà Nội đang muốn đầu tư để các di sản thành những điểm đến hấp dẫn hơn.
Kết thúc Năm Du lịch Quốc gia 2010, Hà Nội đón khoảng 1,2 triệu lượt khách quốc tế và 10,6 triệu lượt khách nội địa, lần lượt tăng khoảng 18% và 16% so với năm 2009. Là đầu mối giao thông phía Bắc, giới lữ hành nhìn nhận Hà Nội là điểm tham quan, vừa là trung tâm trung chuyển của cả vùng. Nhìn các lịch trình tour đang chào bán cho khách quốc tế đều dễ nhận thấy, hầu hết khách tham quan các địa danh du lịch nổi tiếng phía Bắc đều qua Hà Nội. Do đó, theo nhận định của giới lữ hành, Hà Nội hoàn toàn có thể tăng lượng khách đến, vấn đề là giới thiệu những sản phẩm du lịch nào tới du khách và để du khách lưu lại lâu hơn.
Giữ hồn di sản thành những điểm đến hấp dẫn
Trong năm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô có thêm 3 di sản được UNESCO công nhận: 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới; Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Thế giới; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây sẽ là những thương hiệu không chỉ quảng bá cho các di sản mà còn góp phần thu hút khách du lịch nước ngoài. Phó giám đốc Hanoitourist Trần Thành Công nhận xét, khách du lịch quốc tế, nhất là khách phương Tây có thói quen “lướt web” tìm thông tin trước khi đi du lịch. Do đó, việc được UNESCO vinh danh sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành dễ chào bán tour gắn với các điểm di sản trên. Tuy nhiên, để phát huy giá trị của di sản, Hà Nội nên rút ra cho mình những kinh nghiệm và bài học “nhãn tiền” từ một số địa phương. Bởi trên thực tế, có những nơi chính quyền địa phương và người dân nhận thức chưa đúng, chưa đủ khiến di sản hàng ngày, hàng giờ bị đe dọa, việc đầu tư cho di sản về cơ chế, tài chính cũng chưa thỏa đáng.
Với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được công nhận là Di sản thế giới, do đặc thù riêng và vẫn trong quá trình bảo tồn nên vẫn chưa đưa vào khai thác phục vụ du lịch một cách đầy đủ. Để biến nơi đây thành điểm du lịch, Hà Nội cần đầu tư một cách hệ thống như: hệ thống hạ tầng khu vực thăm quan, mô hình toàn cảnh, biển chỉ dẫn, đào tạo thuyết minh viên, chiếu phim tư liệu... Giữä hồn di sản thành những điểm đến hấp dẫn, ngành du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm. Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Nội Mai Tiến Dũng cho biết, trước mắt, với sự trợ giúp của văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Sở VH, TT và DL Hà Nội đang tiến hành chuẩn hóa thuyết minh toàn bộ di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long với tiêu chí thể hiện sự sống động của văn hóa Hà Nội theo chiều dài lịch sử 1.000 năm. Sở sẽ tổ chức tập huấn cho các thuyết minh viên, hướng dẫn viên và xây dựng tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp du lịch. Tương tự, Văn Miếu - Quốc tử Giám cũng sẽ từng bước chuẩn hóa để phục vụ du khách tốt hơn.
Hướng tới du lịch xanh
Từ những kết quả đã đạt được trong Năm Du lịch Quốc gia 2010, bước sang năm 2011, Hà Nội sẽ xây dựng khẩu hiệu “Năm Du lịch Xanh”. Hà Nội hiện có gần 800 cơ sở lưu trú, trong đó có 213 khách sạn trên địa bàn được xếp hạng. Các khách sạn 3 - 5 sao đang được ngành du lịch Hà Nội và Tổng cục Du lịch khảo sát, gắn nhãn hiệu sinh thái “Bông sen xanh” cho những khách sạn đạt chuẩn. Đây là cố gắng của ngành du lịch phù hợp với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập.
Cùng với đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, du lịch Thủ đô sẽ tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường và khai thác tối ưu các giá trị tài nguyên tự nhiên và giá trị di sản văn hóa - lịch sử của thành phố 1.000 năm tuổi.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến
Với hệ thống hạ tầng du lịch đang dần được hoàn thiện, Hà Nội đang lưu giữ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú. Ngoài các di sản được UNESCO công nhận gần đây, Hà Nội còn có khu phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, và hàng nghìn làng nghề truyền thống... Đó là những điều kiện thuận lợi để đầu tư khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch riêng.
Muốn đưa thông tin di sản đến với du khách không thể thiếu cầu nối quan trọng là công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho hoạt động này của Hà Nội quá ít và đang trở thành “rào cản” cho bước tiến của ngành du lịch Thủ đô. Theo ông Mai Tiến Dũng, “những năm qua, kinh phí dành cho xúc tiến của Hà Nội chỉ từ 2 - 2,5 tỷ đồng/năm. Trung bình, Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế/năm. Như vậy, nếu tính theo tỷ suất đầu tư điểm đến so với lượng khách, thì mỗi năm, những người làm công tác xúc tiến của du lịch Thủ đô sẽ làm được những gì khi chỉ được phép tiêu 2.500 đồng/khách”.
Nhận thấy điểm yếu này, năm 2011, Hà Nội sẽ chi 20 tỷ đồng đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để nhiều người biết đến Hà Nội hơn. Cùng với sản phẩm du lịch đang được các doanh nghiệp đầu tư, du lịch Hà Nội kỳ vọng sẽ tạo được những bước chuyển trong những năm tới để xứng đáng là trung tâm du lịch của cả vùng phía Bắc.