Quảng Ngãi: Nhức nhối nạn khai thác san hô ven biển

Cập nhật: 24/03/2011
Do nạn khai thác vô tội vạ ghành đá san hô, nhà cửa đất đai của người dân ở thôn An Cường (Quảng Ngãi) đang có nguy cơ bị triều cường “nuốt chửng”.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, triều cường ven biển liên tục xâm thực vào đất liền làm sạt lở nhiều nhà dân ở thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Trong khi chính quyền địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này, cũng như chưa tìm được chỗ tái định cư cho dân vùng sạt lở, một số người chạy theo lợi nhuận khai thác đá san hô trái phép gây hủy hoại môi trường sinh thái và là một trong những nguyên nhân làm cho triều cường xâm thực ngày càng trầm trọng.

Lợi bất cập hại

Tình trạng khai thác đá san hô trái phép vùng ven biển thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ một số xe vận tải chở đá san hô đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, khi đá san hô hay còn gọi là đá vôi ngày càng có giá thì tình trạng này càng phát triển. Đá san hô được chẻ từng cục để làm hòn non bộ bán cho các tay chơi cây cảnh không chỉ trong tỉnh mà còn vận chuyển sang các tỉnh khác. Mỗi khối đá san hô có giá hơn 1 triệu đồng, bình quân mỗi ngày một lao động kiếm được từ 400.000-500.000 đồng.

Do nguồn thu nhập cao, nhiều người đã lén lút đổ xô khai thác đá san hô để bán. Khai thác đá san hô đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong vùng, nhất là các hộ dân thôn An Cường sống dọc ven biển.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân thôn An Cường (xã Bình Hải) cho biết, người dân ở đây đã ngăn chặn nhiều lần nhưng những người khai thác đá san hô vẫn phớt lờ.

Những năm gần đây, nạn triều cường xâm thực vào xã Bình Hải, huyện Bình Sơn ngày càng trầm trọng. Cơn bão số 9 năm 2009 đã khiến 25 hộ dân ở đây phải di dời nhà cửa do triều cường đe dọa; đợt lũ lụt giữa tháng 11/2010 đã cuốn phăng 17 ngôi nhà sau một đêm. Từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay, triều cường hung dữ đã lấn sâu vào thôn An Cường, xã Bình Hải từ 10-30m làm cho 4 ngôi nhà đang ở trong tình trạng chênh vênh trước đầu sóng ngọn gió. Chính quyền địa phương xã Bình Hải vẫn đang loay hoay tìm chỗ tái định cư cho số hộ dân này. Nguyên nhân là do không có đất tái định cư vì đất lân cận đều nằm trong vùng quy hoạch của Khu kinh tế Dung Quất.

Nhiều người dân ở đây cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn triều cường xâm thực ngày càng trầm trọng là do ghành san hô dọc theo thôn Thanh Thủy bị khai thác. Hiện nay, ghành biển ở Bình Hải, huyện Bình Sơn đang bị khai thác nham nhở, biến dạng. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 50m3 đá bị đưa lên cạn để bán cho các thương lái. Không những thế, do khai thác bừa bãi, nên cả tôm, cá cũng mất dần, không còn vào trú ngụ như trước.

Ông Võ Văn Phấn, một người dân ở thôn An Cường chỉ tay về phía biển nói: “Trước đây, nhờ được ghành đá san hô ở Thanh Thuỷ che chở nên người dân ở thôn An Cường không phải nơm nớp lo sợ triều cường xâm lấn. Nhưng mấy năm gần đây, khi ghành đá san hô bị con người tàn phá, nhà cửa đất đai ở thôn An Cường đang lở dần, có nguy cơ bị triều cường “nuốt chửng”. Bà con ở đây chỉ mong muốn cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn tình trạng này”.

Chính quyền địa phương “bó tay”

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết, chính quyền địa phương đã có những nỗ lực trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác san hô. Xã cũng đã phối hợp với Đồn Công an Khu kinh tế Dung Quất, Bộ đội biên phòng, thành lập tổ tuần tra kiểm soát nhưng sau khi kiểm tra “đâu lại vào đó”.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, từ khi có Nghị định 31/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chính thức có hiệu lực, UBND xã đã đến tận các thôn xóm vùng ven biển để phổ biến cho người dân biết nội dung Nghị định này; đồng thời ra thông báo rộng rãi nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, mua bán đá san hô biển dưới mọi hình thức. Thời gian qua, UBND xã Bình Hải cũng xử phạt một số trường hợp vận chuyển san hô trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác đá san hô vẫn không lắng xuống mà vẫn có chiều hướng tăng lên. Đây là mối nguy cơ đe dọa đến môi trường hệ sinh thái vùng biển này. Ông Nguyễn Văn Thiện cũng thừa nhận các ngành chức năng của huyện Bình Sơn như: tài nguyên môi trường, công an… chưa thật sự vào cuộc; còn mức phạt của cấp xã chưa đủ sức răn đe. Trước mắt, địa phương chỉ đẩy mạnh vận động tuyên truyền, mời các chủ xe tải ở địa phương ký cam kết không tham gia vận chuyển san hô…

Trong khi chờ đợi các biện pháp ngăn chặn từ chính quyền địa phương xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, hàng ngày nguồn tài nguyên này vẫn đang bị đục khoét, đe doạ phá hoại môi trường sinh thái biển, làm cho triều cường xâm thực vào đất liền sâu hơn. Người dân đang mong chờ các ngành chức năng ở Quảng Ngãi vào cuộc để kịp thời ngăn chặn tình trạng này./.

Anh Vinh

 

Nguồn: VOV