Nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi sau khủng hoảng cùng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển được cải thiện, khiến lượng du khách đổ đến châu Á gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong khi du lịch mang lại nguồn ngoại tệ rất cần thiết cho khu vực thì các nhà quan sát cũng lo ngại rằng tăng trưởng du lịch đang gây ra áp lực chưa từng có đối với những Di sản thế giới.
Những tấm biển mang dòng chữ “không trèo” dường như chẳng có ý nghĩa gì với những du khách tay mang máy ảnh đang chen lấn nhau để có được hình đẹp nhất về hoàng hôn buông xuống đền Angkor Wat, điểm du lịch hấp dẫn nhất Campuchia.
Cảnh thiên nhiên thật ấn tượng nhưng sự nhốn nháo của du khách thì lại chẳng dễ chịu chút nào và khó có thể chụp được một bức ảnh mà không dính người lạ vào đó.
Công viên Quốc gia Angkor đón hơn 1,15 triệu lượt du khách năm 2010, tăng 25% so với một năm trước đó. Tại Angkor Wat, điểm ấn tượng nhất trong quần thể đền đài của Công viên quốc gia, du khách hầu như được tự do đi lại xung quanh ngôi đền có từ thế kỷ 12 này, phớt lờ những biển báo một chiều và cảnh báo đá rơi. Nhiều người tựa vào những bức tường rêu phong cổ kính trong khi số khác mải mê ngắm những bức phù điêu khắc trên đá. Du khách Rona Soranno, đến từ California nói: “Bạn bắt đầu để ý thấy sự mài mòn của các bức phù điêu song bạn không thể chắc được rằng đó là vì chúng đã có từ hàng thế kỷ hay là do quá nhiều du khách sờ vào chúng”.
Bạn của cô là Marcus Welsh cũng đồng ý như vậy và nói thêm: “Đi lại trên những bậc đá tạo cho tôi cảm giác vô cùng ấn tượng như thể đang ngược dòng lịch sử, nhưng mặt khác tôi cũng phải tự hỏi những di sản này sẽ thế nào sau nhiều năm nữa?”.
Theo Quỹ Di sản Toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ chuyên bảo vệ các di sản ở các nước đang phát triển, đền Angkor đang bị đe dọa nghiêm trọng do sự thiếu kiểm soát. Ông Jeff Morgan, Giám đốc điều hành của tổ chức này cho biết: “Những tàn tích này có tuổi đời 600-800 năm và cần được bảo vệ khỏi sự khai thác quá mức cho du lịch”.
Apsara Authority, Cơ quan phụ trách việc bảo vệ quần thể Angkor cho biết, họ đã tiến hành nhiều biện pháp để giảm thiểu tác hại tới khu di tích, bằng cách chăng dây thừng quanh những kết cấu dễ đổ để hạn chế du khách, đồng thời tuyển dụng hơn 270 hướng dẫn viên du lịch chỉ dẫn du khách tránh những điểm đông đúc nhất.
Và hai lần một năm, lãnh đạo cơ quan lại có cuộc gặp với giới chức UNESCO và các chuyên gia nước ngoài để “thảo luận các nỗ lực bảo vệ và thách thức”.
Tại Trung Quốc, di tích Vạn lý trường thành mỗi năm thu hút 10 triệu lượt khách du lịch cũng đang cảm thấy sức căng của ngành công nghiệp không khói này.
Ông William Lindesay, một người Anh đã gắn bó gần một phần tư thế kỷ với việc bảo tồn tồn di tích này cho biết, nhiều phần của bức tường Vạn lý, được xây dựng trong nhiều thế kỷ và trải dài hơn 8.800 km đang ở trong tình trạng tồi tệ. Chỉ có khoảng 550 km là ở trong tình trạng tốt.
Chính quyền Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự hủy hoại và mới đây đã ban hành quy định cấm bất cứ công trình xây dựng nào trong phạm vi bán kính 500m xung quanh di tích nổi tiếng này.Nhưng ông Lindesay cho rằng như thế vẫn chưa đủ.
Tại Ấn Độ, kỳ quan Taj Mahal, khu lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng có từ thế kỷ 17 thu hút khoảng 3 triệu du khách/ năm. Lượng khách đến quá đông cũng gây ra vấn đề về môi trường trước khi nhà chức trách phải tiến hành các biện pháp hạn chế giao thông và xây dựng nhà máy xung quanh di tích này vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.
Tổng thể di tích Taj Mahal trải qua một đợt trùng tu lớn vào năm 2007, song các nhà bảo tồn cho rằng nó chỉ có thể được bảo vệ đầy đủ nếu hạn chế bớt lượng khách tham quan.
Đỗ Sinh - Ngân An