Nhiều quan ngại về an ninh nguồn nước

Cập nhật: 24/03/2011
63% lượng nước mặt của Việt Nam chảy về từ nước ngoài, trong khi các dự án thủy điện của Trung Quốc tại thượng nguồn vẫn đang tiếp tục gây ra những căng thẳng.

Hôm 22/3, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp lần thứ nhất Nhóm nghiên cứu về an ninh nguồn nước của Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP). Tham dự cuộc họp có khoảng 30 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia thành viên của CSCAP (Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Úc), đại diện của Lào, một số chuyên gia và học giả về an ninh nguồn nước từ các tổ chức trong nước, khu vực và quốc tế như UNDP, UNESCAP, Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường và đại diện của nhiều bộ, ngành, cơ quan hữu quan VN.

Theo ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), vấn đề an ninh nguồn nước của VN ngày càng rõ nét và có nhiều thách thức. 63% lượng nước mặt của VN là từ nước ngoài, trong đó 92% lượng nước của Mê Kông và khoảng 50% lượng nước sông Hồng từ ngoài lãnh thổ.

Cùng với sự phát triển và gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao, các vấn đề ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đến từ trong và cả ngoài quốc gia tạo thành những mối đe dọa lớn về an ninh nguồn nước và những thách thức cho an ninh lương thực của VN.

Đánh giá về tình hình an ninh nguồn nước của khu vực sông Mê Kông, TS Lee Seung Ho, thành viên CSCAP Hàn Quốc, cho rằng việc vắng mặt Trung Quốc (TQ) và Myanmar trong thành phần Ủy hội sông Mê Kông (MRC) sẽ khiến những nỗ lực của MRC trở nên khó khăn hơn. "Lý do là những cam kết ràng buộc giữa các thành viên của MRC là hoàn toàn không có hiệu lực đối với TQ và Myanmar", TS Lee nói. Điều đáng nói là hai quốc gia này có một phần lãnh thổ nằm phần thượng nguồn lưu vực, đóng góp gần 18% tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông nhưng không tham gia cơ chế hợp tác Mê Kông. Đặc biệt là TQ đã và đang phát triển mạnh hàng loạt các công trình hồ chứa thủy điện lớn trên dòng chính Mê Kông, gây ra những quan ngại cho các quốc gia ở hạ lưu. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên MRC cũng thiếu nguồn lực trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến những tác động, hậu quả do việc xây dựng các đập thủy điện, tình trạng ô nhiễm, mà thay vào đó chỉ là việc giám sát, thu thập số liệu...

Theo TS Lee, cho đến năm ngoái TQ mới miễn cưỡng cung cấp một số thông tin về Mê Kông với các nước hạ nguồn, trong đó có VN. Tuy nhiên, trên thực tế các dự án thủy điện của TQ tại thượng nguồn Mê Kông vẫn đang tiếp tục gây ra những căng thẳng cho khu vực. Chuyên gia của Hàn Quốc khẳng định MRC cần quyết liệt hơn trong việc vận động TQ vào tổ chức này, tạo thành một cơ chế mới cho việc chia sẻ thông tin. Nhưng việc đưa TQ vào ngồi cùng bàn với MRC không phải là một việc dễ dàng, bởi nước này đã nhiều lần từ chối gia nhập MRC. Theo ông Suchit Bunbongkarn, Trưởng đoàn CSCAP Thái Lan, điều mà TQ vẫn luôn luôn khẳng định là những gì họ làm ở thượng nguồn không gây ra tác hại nào đáng kể với các nước hạ nguồn. Nhưng thực tế không ai biết rõ và có thông tin về những gì người TQ đang làm ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Theo Trưởng đoàn CSCAP Thái Lan, việc TQ không minh bạch và chia sẻ thông tin nhỏ giọt về Mê Kông là điều khiến các quốc gia hạ nguồn vô cùng quan ngại. Ông cho rằng, các thành viên của MRC cùng với Myanmar có thể đề nghị đưa vấn đề này vào nghị trình của ASEAN. "Chúng ta cần yêu cầu ASEAN lên tiếng, tác động để TQ nhận thức mức độ nghiêm trọng của vấn đề", ông Suchit cho biết.

TS George Radosevich, Hiệp hội Quốc tế về Luật Nước, cho rằng các quốc gia hạ nguồn có thể đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc. "Nếu các bạn chứng minh được những tác động nghiêm trọng ảnh hưởng đến Mê Kông từ những hoạt động của TQ ở thượng nguồn, chắc chắn TQ sẽ phải cung cấp thông tin và hợp tác. Đơn giản là họ sẽ không muốn mình bị cô lập trong tiến trình này", ông Radosevich nói.

Nguyên Phong

 

Nguồn: Tienphong.vn