2020: Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

Cập nhật: 08/04/2011
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên toàn quốc tổ chức ngày 2/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các ban ngành, địa phương phối hợp xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm, thường xuyên tiến hành thanh kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm khắc, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Đảm bảo tiến độ xử lý ô nhiễm

Sau 8 năm thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cấp ngành, địa phương trong cả nước đã xử lý tổng cộng 338 cơ sở trong danh mục 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc giai đoạn 1, đạt 77% kế hoạch; 101 cơ sở còn lại đang khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm ở các mốc tiến độ khác nhau. Trong đó, 15 tỉnh, thành đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để ở mức 100%, 20 tỉnh, thành đã hoàn thành trên mức 75%, 103/132 cơ sở do trung ương quản lý đã hoàn thành xử lý ô nhiễm.

Xét theo loại hình hoạt động, khu vực công ích thì hiện mới có 64/84 bệnh viện, 25/52 bãi rác, 12/15 kho thuốc bảo vệ thực vật, 3/15 làng nghề hoàn thành xử lý ô nhiễm. Khu vực sản xuất kinh doanh cũng chỉ xử lý được 229/268 cơ sở, chiếm 85,4%. Tiến độ thực hiện chủ trương, theo nhiều ý kiến đánh giá là chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, trong giai đoạn tới, lượng cơ sở thuộc diện ô nhiễm nghiêm trọng cần xử lý đã phát sinh với khoảng hơn 3.800 cơ sở.

Nguyên nhân gây chậm tiến độ trong việc xử lí ô nhiễm trước hết là do các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm chậm được triển khai, nhất là các cơ chế về đất đai. Nhiều địa phương thiếu tích cực, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Các cơ sở vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Đặc biệt, trước 1/3/2010, việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có mức phạt thấp, chưa có tính răn đe và thiếu các quy định về biện pháp xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không hoàn thành đúng tiến độ.

Bên cạnh hạn chế về chế tài, nguồn lực đầu tư, nhiều ý kiến từ các địa phương cho biết việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc khu vực công ích gặp nhiều khó khăn, bất cập. Các bệnh viện phần lớn thu không đủ chi, không chủ động được kinh phí đầu tư xử lý chất thải. Các bãi rác thiếu quy hoạch địa điểm, thiếu nguồn lực xây dựng bãi mới hợp vệ sinh. Do quản lý khó khăn, các điểm ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu thường xuyên phát sinh, các làng nghề phân tán, thiếu nguồn lực giám sát hữu hiệu.

Không để phát sinh cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc nhìn nhận những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện chủ trương hết sức cần thiết và đúng đắn về vấn đề môi trường này. Từ đó, quán triệt bằng được hai mục tiêu lớn trong giai đoạn từ nay đến 2020 là xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay cũng như không để phát sinh thêm những cơ sở  ô nhiễm nghiêm trọng mới.

“Trước hết phải kiểm điểm công tác quản lý về môi trường còn chưa đồng bộ, chưa hiệu quả, thiếu các chế tài đủ mạnh. Nếu thanh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm thì không thể phát sinh hơn 3.800 cơ sở đến nay. Báo cáo cho thấy tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng là không ổn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thể chế, đánh giá toàn diện hiệu quả của các cơ chế, chính sách hiện hành, hỗ trợ công tác xử lý, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn phù hợp với yêu cầu mới về bảo vệ môi trường, tăng cường thanh kiểm tra, đảm bảo nguồn lực, chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe hành vi vi phạm.

Sớm có hướng dẫn cơ chế xã hội hóa các dự án xử lý ô nhiễm

Cơ bản tán thành với các nhóm giải pháp, kiến nghị của các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các cơ quan hướng dẫn đầy đủ các cơ chế xã hội hóa, huy động đa dạng nguồn lực xử lý ô nhiễm. Đặc biệt đối với các dự án rác thải, nước thải, cung cấp nước sạch,… cần chủ động xây dựng mô hình để triển khai, không trông chờ ngân sách.

Về nguồn vốn, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa các nguồn vốn cho công tác xử lý triệt để. Nghiên cứu, sửa đổi cơ chế cho vay vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương đánh giá hiệu quả một số cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện hành, phối hợp lồng ghép hoặc đưa lên chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường thuộc khu vực công ích vốn có nhiều khó khăn.

 

Nguồn: ThienNhien.Net /Chinhphu.vn