Công nhận Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cập nhật: 29/04/2011
Ngày 29-4, UNESCO sẽ công bố quyết định và trao bằng công nhận khu vực Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển thế giới cho UBND tỉnh Nghệ An. Đây là khu dự trữ sinh quyển trên cạn, hành lang xanh lớn nhất Đông Nam Á, có nhiều điểm khác biệt so với các khu dự trữ sinh quyển thuộc khu vực hệ sinh thái bờ biển.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An bao gồm vườn quốc gia Pù Mát nối liền hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt nằm trong địa giới hành chính chín huyện miền núi, tạo thành hành lang xanh kéo dài trên 500km. Với hơn 1,3 triệu ha, khu vực này phủ kín gần như toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của Nghệ An.

Đa dạng sinh học và bản sắc văn hóa

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, giám đốc vườn quốc gia Pù Mát, vốn là thành viên cùng đoàn cán bộ khoa học Trung tâm nghiên cứu và giáo dục môi trường của ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia xây dựng hồ sơ về khu dự trữ sinh quyển thế giới này, cho biết: “Năm 2006 tôi và các nhà khoa học đi thực tế, chụp ảnh, thu thập tài liệu về viết hồ sơ gửi Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (sau đó ủy ban này gửi hồ sơ đến UNESCO). Công việc tuy rất vất vả nhưng hết sức thú vị”.

Ngày đầu tiên ngồi thuyền ngược sông Giăng đến bản Cò Phạt của tộc người Đan Lai, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, các nhà khoa học thốt lên: “Miền Tây Nghệ An còn có một vùng rừng núi nguyên sinh đẹp đến thế này ư?”.

 Rồi họ lại bất ngờ khi thấy ở độ cao 1.500m xuất hiện cánh rừng lùn (cây phân cành thấp từ 3-4m để chống chọi với gió trên đỉnh núi cao), khác hẳn với các quần thể sa mu ở độ cao 900m trở lên, nhưng mọc thẳng tắp và cao vút từ 60-70m.

 Bất ngờ tiếp theo khi họ đứng trước bờ suối, tảng đá nhìn những chiếc máy ảnh đang “bẫy” những con thú lạ, đem về hình ảnh nhiều loài chim quý như trĩ sao, gà lôi, gà tiêu, voọc chà vá chân nâu (loài đặc hữu quý hiếm), hổ, thỏ vằn Trường Sơn, sao la (loài động vật đặc trưng nhất, thuộc họ móng guốc được quốc tế quan tâm trong quá trình bảo tồn), sói lửa...

Các nhà khoa học nhận xét Tây Nghệ An là khu vực giàu tài nguyên đa dạng sinh học của cả nước.

Ngoài diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn của miền Bắc sót lại, còn có nhiều loài sinh vật quý hiếm và mới được phát hiện tại đây (trong 1.297/2.000 loài thực vật và 130 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, còn có 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 83 loài cá, 39 loài dơi).

Và voi đang là câu chuyện thời sự bởi Tây Nghệ An được xác định là một trong ba khu vực (cùng với Đắk Lắk, Đồng Nai) của cả nước đang tồn tại quần thể voi châu Á với số lượng tốt nhất theo quy mô đàn.

 Theo ông Nhàn, một điều khác biệt nữa được quốc tế đặc biệt quan tâm là khu dự trữ sinh quyển thế giới này còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm, điệu múa xòe, cồng chiêng của người Thái; đàn môi, khèn của người Mông; nghề trồng lúa nước của người Tày Poọng; tục ngủ ngồi của người Đan Lai; điệu nhảy nhà (múa mừng nhà mới), đàn tăng bu và hát tơm của người Khơ Mú...

Hiện bảy dân tộc thiểu số có 884.000 “công dân sinh thái” sinh sống trong vùng sinh quyển hoang sơ và hùng vĩ.

Cây di sản Việt Nam

Năm 1997, trong một chuyến đi điều tra đa dạng sinh học, đoàn cán bộ khoa học của vườn quốc gia Pù Mát nghe một người dân dẫn đường (trú ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang) khoe rằng “ở khu vực khe Bu có một đám mậy pẹc (sa mu) lớn lắm. Gỗ mậy pẹc không mối mọt. Gián, nhện, muỗi rất kỵ mùi loại gỗ này. Người Mông thường chẻ gỗ lợp mái nhà do mát và bền hơn 40 năm”.

Thế là cả đoàn mải miết ngược khe Bu. Đến nơi họ choáng ngợp bởi một quần thể sa mu dầu khoảng vài trăm cây mọc thẳng đứng, cao vút. Khi lùi ra xa hàng trăm mét, đứng trên đỉnh núi cao mới thấy tán loài cây này chiếm toàn bộ tầng trên của khu rừng nguyên sinh.

Tiếp đó, năm 2004, trưởng phòng khoa học vườn quốc gia Pù Mát Trần Xuân Cường bắt đầu thực hiện chương trình nghiên cứu đặc điểm phân bố và khả năng tái sinh của sa mu dầu để làm hồ sơ gửi Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE), đăng ký cây di sản Việt Nam.

Anh kể: “Dạo đó, năm anh em đi bộ ba ngày mới tới khe Bu. Không thể nói hết vất vả trên chặng đường rừng từ khe Thơi cắt theo khe Mặt, khe Hoi rồi theo sườn núi trèo lên đỉnh Pù Xam Liệm; từ Pù Xam Liệm theo sườn núi đi xuống mới gặp quần thể sa mu dầu. Đi tiếp ngày thứ tư gặp thêm một quần thể khác, khoảng 60 cây”.

Chính trong quần thể thứ hai này có cây sa mu dầu cao khoảng 70m, chu vi thân 23,7m, đường kính 5,5m. Đây là cây to cao nhất so với nhiều cây khác trong hơn 30.000ha quần thể sa mu dầu tại địa bàn bốn huyện Con Cuông, Tương Dương, Kì Sơn, Quế Phong thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khi lội rừng đến đây để thẩm tra, các chuyên gia của VACNE không khỏi ngạc nhiên vì lần đầu tiên thấy một cây rừng to cao quá cỡ như vậy. Tháng 12-2010, sa mu dầu trở thành cây di sản Việt Nam.

Anh Cường mở máy vi tính cho tôi xem những bức ảnh do A Li, một thanh niên người Áo (năm nay 29 tuổi), chụp cây di sản. A Li từng đi hết các khu rừng đặc dụng Việt Nam để săn lùng những kiểu ảnh ưa thích.

Năm 2008, khi đang dạy tiếng Anh ở TP.HCM, anh biết thông tin về cây sa mu dầu nên một mình lặn lội ra Pù Mát để được nhìn thấy cây. Nhưng lần đó A Li thất vọng vì người dẫn đường bị lạc rừng. Năm 2009, anh quay lại và được một cán bộ phòng khoa học dẫn đi. Lần này anh được toại nguyện.

Anh Cường cho biết sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) còn có ở Thanh Hóa, nhưng nhiều nhất ở Nghệ An. Đây là loài cây thuộc họ bụt mọc (Taxodiaceae), phân cành cao, tán thưa, hình nón hẹp, thân thẳng, không có bạnh. Cây phân bố ở độ cao từ 900m trở lên, thích hợp khí hậu lạnh, đất đồi có độ ẩm cao, tầng mùn dày. Sa mu dầu rất khó tái sinh tự nhiên, vườn quốc gia Pù Mát đã nhân giống bằng hạt cây này nhưng trồng được vài năm là chết.

Trong ngày UNESCO công bố quyết định và trao bằng chứng nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, VACNE cũng làm lễ và gắn bia đá khắc dòng chữ “Cây di sản Việt Nam” vào gốc cây sa mu dầu đã được vinh danh.

 

Nguồn: Vacne/Tuổi Trẻ