Trong 2 ngày 16 – 17/5, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) đã trao bằng chứng nhận Cây Di sản Việt Nam cho 2 cây nghiến nghìn tuổi tại Khu di tích Pác Bó - huyện Hà Quảng và bản Lũng Túng - huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.
Tham dự buổi lễ có GS.TS. Đặng Vũ Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBKHCNMT của Quốc Hội, TS.Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS.Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE và nhiều đồng chí đại diện các Cục, Vụ, Trung tâm thuộc Bộ TN&MT cùng đông đảo phóng viên báo chí.
TS.Nguyễn Ngọc Sinh cho biết sự kiện Vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trưởng Việt Nam khởi xướng và phát động vừa tròn 1 năm nhưng đã nhanh chóng được sự hưởng ứng sôi nổi của cộng đồng.
Việc tổ chức lễ Vinh danh Cây Di sản Việt Nam lần này không chỉ để bảo vệ 2 cây nghiến quý mà còn góp phần bảo vệ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ sự đa dạng sinh học, mà còn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ cảnh quan, môi trường cho đồng bào các dân tộc, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về sự đa dạng của hệ thực vật Việt Nam. Đây cũng là hành động thiết thực hưởng ứng Năm Quốc tế về Rừng 2011; ngày Môi trường thế giới 5/6 và hưởng ứng Thập kỷ Đa dạng sinh học quốc tế 2011 – 2020.
Cây nghiến tại khu di tích Pác Bó huyện Hà Quảng có đường kính trên 2 mét, cao 400 mét, có niên đại hơn 5 thế kỷ. Không những thế cây nghiến còn là một nhân chứng lịch sử, khu vực quanh gốc cây còn in đậm dấu chân của Bác. Nơi đây năm xưa, Bác Hồ đã từng trò chuyện với bà con các dân tộc trong cuộc kháng chiến thần kỳ chống giặc ngoại xâm.
Cây nghiến cổ thụ tại bản Lũng Túng là cây nghiến tồn tại lâu năm nhất tỉnh Cao Bằng, có niên đại khoảng 1000 năm. Cây có chiều cao khoảng 50 mét, chu vi thân khoảng 9,6 mét và đường kính gốc cây là 2,5 mét. Đặc biệt, cây nghiến nằm trong khu vực Đông Sấn đầu làng Lũng Túng, nơi dân bản cho rằng đây là khu “rừng thiêng” trong bản.
Người dân cho rằng các cây cổ thụ ở Đông Sấn đều có linh hồn, ai đó nếu liều lĩnh chặt hạ sẽ bị thần rừng trừng phạt, có thể ảnh hưởng đến cả gia đình. Đây chính là những ứng xử mang luật tục của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng với thiên nhiên, môi trường sinh thái. Những nét ứng xử ấy cần được chúng ta trân trọng, gìn giữ và phát huy./.