Ủy ban quốc gia về Hoạt động Không gian Argentina (CONAE) đã cho ra mắt vệ tinh SAC-D, sẽ được đưa lên quỹ đạo ngày 9/6 tới với mục đích đo độ mặn bề mặt của các đại dương.
Dự kiến SAC-D sẽ được phóng lên quỹ đạo từ căn cứ quân sự Vandenberg tại bang California của Mỹ, trong kế hoạch hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA). Tuổi thọ của SAC-D là 3 năm.
SAC-D sẽ cung cấp bản đồ biến đổi độ mặn bề mặt đại dương theo từng tháng.
Thông tin này được coi là mảnh ghép còn thiếu, và cùng với dữ liệu về mực nước biển, mầu sắc đại dương, nhiệt độ, gió, mưa, độ bay hơi, giới khoa học sẽ có được cái nhìn rõ ràng hơn về những biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngoài ra, SAC-D cũng sẽ thu thập thông tin phục vụ công tác phòng tránh thiên tai, tìm hiểu thay đổi của đất và nghiên cứu dịch tễ học, cũng như những dữ liệu liên quan tới chất lượng không khí, lượng mưa, các khối băng trên biển, gió và nhiệt độ bề mặt đại dương./.