Sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2011 là Ngày Môi trường Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Thông báo Quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức trong tháng 6/2011.
Ngày Môi trường thế giới năm 2011- Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên.
Năm 2011, Liên hợp quốc chọn là năm Quốc tế rừng nhằm thúc đẩy việc quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững tất cả các loại rừng, phòng chống phá rừng, suy thoái rừng.
Hưởng ứng Năm quốc tế Rừng, Liên hợp quốc lấy chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2011 là “Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”và Ấn độ là quốc gia đăng cai tổ chức các hoạt động quốc tế kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm nay. Chủ đề này nhấn mạnh sự quan trọng của rừng đối với cuộc sống và hệ sinh thái, đồng thời đưa ra cảnh báo về tình trạng phá rừng, suy thoái rừng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu do hoạt động con người gây ra.
Tại Việt Nam, Bộ TN&MT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức các hoạt động quốc gia Ngày Môi trường thế giới và Năm Quốc tế về Rừng năm 2011 tại tỉnh Bắc Kạn với các hoạt động thiết thực như:
Ngày 4/6, khai mạc triển lãm rừng Việt Nam, Hội thảo Bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học hưởng ứng Năm Quốc tế rừng, Chương trình văn nghệ, kết hợp trao Giải thưởng môi trường Việt Nam và phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về môi trường lần thứ 2.
Ngày 5/6 lễ mít tinh quốc gia ngày Môi trường thế giới và Năm Quốc tế về Rừng, trao quyết định công nhận Ba Bể là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam, ra quân trồng cây và các hoạt động hưởng ứng khác.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới.
Để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Bộ TN&MT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và đầu tư… tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề Trí tuệ xanh cho sự phát triển bền vững biển và đảo Việt Nam.
Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền vận động, góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương. Từ đó, khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biểnn, lòng tự hào, ý thức dân tộc của người dân đối với chủ quyền vùng biển Tổ quốc, đối với cuộc sống cộng đồng và sự nghiệp phát triển kinh tế biển lâu dài của đất nước.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 8/6 tại các địa phương trong cả nước. Khánh Hòa là địa phương được đăng cai tổ chức một số các hoạt động chính như: Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chương trình xác lập kỷ lục mang tên “Nối vòng tay lớn”, hoạt động chung tay làm sạch bờ biển, diễn đàn thương hiệu quốc gia biển Việt Nam lần thứ 3, diễn đàn Kinh tế biển lần 2, chương trình văn nghệ Biển xanh quê hương, khai trương phòng trưng bày tài nguyên biển quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa….
Các hoạt động trên được sự hưởng ứng của các cấp và các ngành, các địa phương với mong muốn duy trì một truyền thống mới để khai thác sử dụng và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam cũng như góp phần giữ cho đại dương của nhân loại.
Thông báo quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu và đã đạt được kết quả quan trọng. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1944 và Nghị định thư Kyoto năm 2002. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức có liên quan chủ trì xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam cho Công ước khí hậu và đã gửi Thông báo quốc gia lần thứ 2 cho Ban thư ký Công ước khí hậu tại Hội nghị lần thứ 16 các Bên tham gia Công ước khí hậu tại Cancun, Mê hi cô vào tháng 12 năm 2010.
Việc hoàn thành Thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khí hậu được đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2010.
Nội dung chính của Thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khí hậu gồm: kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm cơ sở 2000 cho các lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi dử dụng đất và lâm nghiệp, chất thải đối với các khí nhà kính chủ yếu là CO2, CH4 và N2O…
Trên cơ sở xác định các nguồn phát thải, bể hấp thụ kính nhà kính thông qua kiểm kê quốc gia khí nhà kính và quy hoạch phát triển ngành, đã đánh giá và xây dựng một số phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho 3 lĩnh vực chính tại Việt Nam là năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp.
Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra và đề xuất các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các lĩnh vực tài nguyên , vùng ven bờ, nông nghiệp…
Thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khí hậu còn đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tăng cường hệ thống quan trắc, dự báo biến đổi khí hậu đào tạo và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu./.