Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đang giúp 3 làng cổ của Việt Nam phát huy các giá trị văn hóa và tài nguyên du lịch nhằm phát triển du lịch cộng đồng thông qua dự án Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam qua du lịch di sản.
Dự án sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2014, tại 3 ngôi làng truyền thống có tiềm năng phát triển du lịch, gồm: Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang). Đây là 3 ngôi làng cổ, còn lưu giữ được khá nguyên vẹn những di sản, nét văn hóa đặc trưng của từng miền. Chọn 3 ngôi làng này để thực hiện dự án, JICA mong muốn xây dựng được mô hình quản lý phù hợp trong phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Phó trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Matsunaga Masaei cho biết: “Tăng trưởng kinh tế cao khiến các làng nghề truyền thống có thể biến mất, trừ khi có mô hình quản lý phù hợp được áp dụng. Do đó, dự án nhằm xây dựng mô hình quản lý phù hợp được áp dụng trong du lịch cộng đồng; thiết lập một hệ thống quản lý để thường xuyên bắt kịp những thay đổi, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời khắc phục các khó khăn và sự suy thoái của môi trường du lịch”.
Theo đó, tùy thuộc vào đặc thù của mỗi ngôi làng và kết quả đạt được khi kết thúc dự án, JICA sẽ đầu tư, giúp đỡ xây dựng mô hình trên các phương diện khác nhau. Tại làng cổ Đường Lâm, giá trị của làng cổ truyền thống sẽ được tái hiện và chương trình du lịch di sản nông thôn được xây dựng, thực hiện theo hình thức trải nghiệm các hoạt động của làng nông nghiệp truyền thống. Nhật sẽ giúp tổ chức các hội thảo nhằm hướng tới việc đăng ký làng cổ Đường Lâm trở thành di sản thế giới; hợp tác xây dựng các công cụ thực hiện cho du lịch như: bản đồ du lịch, các tờ hướng dẫn...; đào tạo các hướng dẫn viên; tư vấn hướng dẫn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, như các nhà hàng của người dân, việc bán các sản phẩm làm quà lưu niệm, trải nghiệm nông nghiệp...
Tại làng cổ Phước Tích sẽ xây dựng và thực hiện chương trình du lịch theo hình thức trải nghiệm ngành nghề sản xuất tại địa phương (ngành gốm). Sau khi khảo sát, đánh giá thực trạng, các chuyên gia Nhật Bản và nghệ nhân Bát Tràng (Hà Nội) sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật liên quan đến việc phục hồi làng nghề gốm cũng như tái kiến thiết các cơ sở ngành nghề gốm; tư vấn về cách phát triển và bán các sản phẩm đồ gốm. Ngoài việc hướng dẫn và hỗ trợ cách xây dựng các công cụ thực hiện cho du lịch, dự án còn tư vấn, hướng dẫn việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch (như các nhà hàng của người dân, việc bán các sản phẩm làm quà, trải nghiệm sản xuất đồ gốm...).
Riêng tại làng Đông Hòa Hiệp, dự án sẽ giúp xây dựng và thực hiện chương trình du lịch di sản và sông nước miệt vườn. Theo đó, sẽ xây dựng chương trình du lịch gồm các nội dung như lập các nhà hàng tại nhà dân, chương trình homestay, tham quan sông nước, gia công chế biến các loại trái cây, bán các sản phẩm làm quà; bố trí các cơ sở hạ tầng du lịch (mạng lưới giao thông thủy, các cây cầu nhỏ...); quảng bá chương trình du lịch, trải nghiệm sản xuất gốm sứ tại các lễ hội...
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, du lịch cộng đồng không phải là loại hình mới mẻ. Một số địa phương đã xây dựng và phát huy khá tốt mô hình này trong khai thác tài nguyên du lịch văn hóa, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của cộng đồng dân cư trong vùng như ở Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam)... Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Phạm Trung Lương cho biết: chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tiếp tục định hướng ưu tiên phát triển du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch cộng đồng góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương, đặc biệt ở vùng nông thôn nơi tỷ lệ đói nghèo còn cao. Đây sẽ là yếu tố tích cực làm giảm tác động của cộng đồng đến các giá trị cảnh quan, tự nhiên, qua đó góp phần bảo tồn tài nguyên, môi trường, bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Phương Linh