Ngày Môi trường thế giới - 5/6, được Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng hưởng ứng liên tục từ nhiều năm nay và được coi là sự kiện quan trọng nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ô nhiễm không khí đáng báo động
Trong những năm qua, Hà Nội không ngừng tìm các giải pháp để bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào việc giảm thải ô nhiễm không khí do bụi. Đây là một trong nhiều nhiệm vụ mà Hà Nội triển khai để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Với nhiệm vụ này, TP đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung triển khai quyết định về bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình trên địa bàn. Các lực lượng Thanh tra xây dựng, Thanh tra GTVT, các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc chống bụi ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát sỏi…
Theo số liệu thống kê, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã ở mức đáng báo động, bởi các khu vực như đường Khuất Duy Tiến, quốc lộ 32, đường Nguyễn Trãi… ô nhiễm bụi đang ở mức cao nhất Hà Nội và xu hướng ngày càng gia tăng. Kết quả quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố đã vượt quy chuẩn cho phép. Kết quả quan trắc bụi giao thông cho thấy, tại 250 điểm đo kiểm, có 180 điểm có hàm lượng bụi lơ lửng vượt quy chuẩn. Vào giờ cao điểm, không khí trên các đường phố, đặc biệt là nút giao thông đều ngột ngạt, bức bối, bởi lượng khí thải vượt gấp nhiều lần giới hạn cho phép từ các loại xe. Ô nhiễm không khí đang là nỗi ám ảnh ở Hà Nội.
GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng, môi trường Hà Nội đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi, bởi nồng độ bụi trung bình gấp 2 - 3 lần quy chuẩn cho phép. Ở các khu vực xây dựng hay sửa chữa đường sá thì nồng độ bụi gấp 5 - 7 lần, thậm chí có nơi trên 10 lần quy chuẩn cho phép. Tỷ lệ diện tích cây xanh của Hà Nội còn quá ít so với yêu cầu của một đô thị xanh.
Theo ông Đăng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung không ngừng xấu đi là do nhiều quy định của pháp luật về quản lý đô thị chưa được thực hiện nghiêm minh. Thí dụ, các công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư (công trình và các khu đô thị mới) còn mang tính hình thức. Việc kiểm tra, kiểm soát môi trường sau đánh giá tác động môi trường hầu như không được tiến hành. Nhiều công trình cao tầng trong bốn quận nội thành cũ chưa xem xét đến sự quá sức chịu tải môi trường của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Nhiều giải pháp để cải thiện môi trường
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh cho biết, Thành phố đã nhìn thấy vấn đề môi trường, đã đánh giá đúng thực trạng đó và xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án và những giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường và cải thiện một bước cảnh quan môi trường, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Về ô nhiễm bụi, phấn đấu 100% các công trường xây dựng phải được che chắn và áp dụng các biện pháp giảm bụi: Vật liệu xây dựng, đất thải phế thải phải được vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dụng đảm bảo không rơi vãi ra đường. Lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông tăng cường giám sát việc chống bụi ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát, sỏi; các phương tiện vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng. Các quận, huyện, thị xã bố trí và công bố công khai các điểm tập kết để trung chuyển đất thải, phế thải xây dựng. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền thực hiện phong trào trồng cây xanh, giữ gìn và bảo vệ cây xanh trên địa bàn…
Hà Nội, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế yêu mến, ngưỡng mộ không chỉ bởi sự phát triển kỳ diệu về kinh tế - xã hội - văn hóa bề dày lịch sử văn hiến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn biết đến với một Thành phố xanh - sạch - đẹp. Vì thế, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được các cấp, ngành triển khai thực hiện.
Phương Nguyên