Khu bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang có sự đa dạng sinh học rất cao, trong đó rạn san hô phong phú về chủng loài động vật hơn bất kỳ nơi nào khác đã được khảo sát ở Việt Nam. Chính vì vậy, KBTB vịnh Nha Trang đặt ra ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính đa dạng sinh học cho vịnh thông qua các hoạt động bảo vệ và tái tạo nguồn lợi.
Bảo vệ đa dạng sinh học trong vịnh
KBTB vịnh Nha Trang là KBTB đầu tiên của Việt Nam, được hình thành từ dự án thí điểm KBTB Hòn Mun năm 2001. KBTB vịnh Nha Trang có diện tích 16.000ha, có nhiều hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Trước đây, người dân đã khai thác quá mức làm suy giảm nghiêm trọng giá trị đa dạng sinh học của vịnh. Từ năm 2001 đến nay, Ban quản lý (BQL) KBTB đã có nhiều hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi và hệ sinh thái biển. Từ năm 2002, các nhà khoa học quốc tế đã khảo sát đa dạng sinh học của vịnh và đã phát hiện sao biển gai có số lượng nhiều ở vịnh. Đây là loài địch hại chuyên ăn san hô. Trong vòng đời 3 - 4 năm chúng có thể ăn 35 - 50m2 san hô. Vì vậy tháng 5 hàng năm, thời điểm sao biển gai mang trứng, BQL đều phát động chiến dịch bắt sao biển gai. Việc bắt sao biển gai không nhằm hủy diệt hoàn toàn sinh vật này mà chỉ nhằm kìm hãm số lượng ở mức chấp nhận được cho sự phát triển đa dạng sinh học trong vịnh. Từ đó đến nay, BQL đã phối hợp với người dân sống tại các đảo trên vịnh bắt trên 80.000 con sao biển gai. Bên cạnh việc kìm hãm sự sinh sôi các loài địch hại của san hô, BQL còn lắp đặt phao neo tàu thuyền cho các tàu du lịch và tàu đánh cá. Hiện quanh đảo Hòn Mun có 50 phao neo cho các tàu, tránh tình trạng tàu thả neo lên rạn san hô. Đội tuần tra gồm 14 nhân viên của BQL cũng tích cực tuần tra 24/24 giờ để bảo vệ vịnh Nha Trang. Qua tuần tra, BQL đã phát hiện nhiều trường hợp xâm phạm đến tính đa dạng sinh học của vịnh, nổi bật là việc thu giữ và thả về đại dương 849 con rùa biển đang có nguy cơ tuyệt chủng bị nuôi giữ trái phép năm 2009.
Trồng rừng ngập mặn ở Đầm Bấy vừa để bảo vệ hệ sinh thái vừa tái tạo nguồn lợi trong vịnh.
Tái tạo nguồn lợi bền vững
Ngoài việc bảo vệ KBTB, BQL còn chú trọng đến khâu tái tạo nguồn lợi cho vịnh. Mỗi năm, BQL đều tổ chức nhiều đợt thả cá và các loài thủy sản khác vào trong vịnh như cá ngựa, hải sâm, bào ngư, ốc nón… Đặc biệt, loài cá nemo (cá hề, cá khoang cổ) vốn không có trong vịnh cũng được tiếp nhận từ Indonesia để thả vào làm phong phú thêm các quần thể động vật sinh sống, đồng thời tạo thêm vẻ đẹp cho các rạn san hô trong vịnh. Tuy nhiên, việc trực tiếp thả thêm cá vào vịnh chỉ là giải pháp phần ngọn, thực tế BQL còn quan tâm đến việc tạo giải pháp tự nhiên cho các loài trong vịnh sinh sôi, phát triển. Ngày Môi trường Thế giới 5-6 hàng năm, BQL phối hợp với các đoàn viên thanh niên ra quân trồng đước, mắm quắn tạo rừng ngập mặn tại Đầm Bấy, đến nay đã được 5ha. Có rừng ngập mặn, các loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ, cá thia… sau khi nở ngoài khơi sẽ theo dòng chảy men vào các vách đá, vào rừng ngập mặn để trú ngụ, trưởng thành. Ông Phạm Văn Tờ, tổ trưởng tổ dân phố Bích Đầm nhận xét: “Từ ngày tái tạo rừng ngập mặn, số lượng cá con về nhiều hơn hẳn. Rừng ngập mặn giữ được nguồn cá thì sinh kế của người dân cũng được cải thiện”.
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, KBTB vịnh Nha Trang đã có những đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và phát triển đa dạng sinh học trong vịnh. Trong tương lai, hy vọng những hoạt động trên sẽ được duy trì, và có thêm nhiều giải pháp hiệu quả khác để vịnh Nha Trang mãi là KBTB đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam.
Huy Toàn