Những người dân sống xung quanh hồ Phương Liệt 2, quận Thanh Xuân vẫn còn bị ám ảnh bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mặt hồ nước đen sì cách đây hơn 1 năm, khi hồ Phương Liệt 2 chưa được cải tạo. Hưởng ứng lời kêu gọi các doanh nghiệp và cộng đồng góp sức theo hình thức xã hội hóa để đầu tư cải tạo, nâng cấp các hồ của thành phố Hà Nội, hồ Phương Liệt 2 là một trong số 45 hồ đã và đang được cải tạo. Đây là một việc làm đầy ý nghĩa của thành phố Hà Nội thiết thực chào mừng Đại lễ 1000 năm. Đến nay, hiệu quả của đề án "cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội" đã thể hiện rõ, cải thiện đáng kể môi trường sống cho người dân và cảnh quan đô thị. Nhiều hồ sau khi được cải tạo đã góp phần không nhỏ trong việc điều hòa, chống úng ngập mùa mưa…
Như vậy, bằng sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp và cộng đồng, dân cư xung quanh khu vực hồ Phương Liệt 2 cũng như nhiều khu vực các hồ khác đã giải tỏa được nỗi ám ảnh về sự ô nhiễm nước hồ. Trong giai đoạn 1 của đề án, thành phố Hà Nội đã huy động được 200 tỷ đồng để cải tạo 20 hồ, trong đó đã có 8 hồ hoàn thành, đưa vào sử dụng, gồm: Thạch Bàn 1, Thạch Bàn 2, hào Thành cổ Sơn Tây, Vục, Phương Liệt 2, Sen, Vả và Long Trì.
Để tiếp tục triển khai đề án này, mới đây, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã nhấn mạnh, từ thực tiễn triển khai đề án cải tạo hồ thời gian qua, đề nghị các quận, huyện chủ động kêu gọi các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn cùng đóng góp kinh phí tham gia xã hội hóa cải tạo hồ, tiến tới nhân rộng mô hình này tới địa bàn các huyện ngoại thành. Phó Chủ tịch cũng chỉ đạo hạn chế đầu tư cải tạo hồ theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án cải tạo hồ đang trong giai đoạn thi công và chuẩn bị đầu tư.
Tuy nhiên, nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư trong công tác xã hội hóa cải tạo hồ, có ý kiến cho rằng, thành phố cần mở rộng các phương thức đầu tư cùng với cơ chế khuyến khích, cụ thể là đầu tư theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đối với các hồ có diện tích lớn, nhà đầu tư có thể liên doanh, liên kết. Sau khi cải tạo xong, có thể cho doanh nghiệp đầu tư khu vui chơi, giải trí theo phương thức cho thuê đất có thời hạn. Với phương thức này, các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư sẽ được khai thác kinh doanh các dịch vụ từ dự án để hoàn vốn.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường các hồ luôn là một vấn đề dân sinh bức xúc, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô. Với cách làm trên, thành phố Hà Nội đã huy động được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào một việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp. Thế nhưng làm sao để giữ mãi màu xanh trong của các hồ sau khi cải tạo trong khi nguồn nước thải của thành phố (nhiều nơi vẫn được xả vào các hồ) vẫn chưa qua xử lý lại là một vấn đề không hề đơn giản, cần được các cơ quan quản lý nhanh chóng bắt tay nghiên cứu, thực hiện.