Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Ba Bể: "Khai tử " nhiều tour, tuyến, điểm du lịch

Cập nhật: 20/07/2011
Được Bộ VHTTDL xác định là một trong 31 khu du lịch có tiềm năng phát triển thành khu du lịch chuyên đề quốc gia nhưng khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể (huyện Ba Bể) đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi các dự án thủy điện đã và đang được triển khai ở khu vực vùng đệm và đầu nguồn những con sông có yếu tố quyết định trong việc điều hòa nguồn nước và hệ sinh thái của Vườn di sản ASEAN này.

Trong khi những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái của khu vực này mới chỉ bộc lộ ở việc bồi lấp làm giảm diện tích hồ thì một số tour, tuyến điểm du lịch đã gần như bị “khai tử”.

Đã từ lâu, khu du lịch Ba Bể luôn là điểm thu hút không chỉ với du khách trong nước mà còn cả với du khách quốc tế. Cũng nhờ thiên nhiên ban tặng, nơi đây không chỉ thu hút du khách đến do hệ sinh thái đa dạng và phong phú mà còn là điểm du lịch khám phá lý tưởng đối với loại hình du lịch trên sông nước. Cùng phối tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Vườn quốc gia Ba Bể còn phải kể đến dòng sông Năng chảy từ tỉnh Cao Bằng cắt ngang qua Vườn quốc gia tạo thành “bức tranh thủy mặc”.

Sông Năng chạy dọc theo lõi Vườn quốc gia với chiều dài hàng chục cây số đã hình thành nhiều tour du lịch trên những chiếc thuyền độc mộc ở khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể. Phải kể đến động Puông phía thượng lưu và xuôi về hạ lưu sông Năng còn có động Hua Mạ, tiếp đó là thác Đầu Đẳng chặn ngang dòng sông.

Thác này có độ cao trên 60 mét và dài trên 800 mét với nhiều bậc đá ghềnh tung bọt nước trắng xoá rất nên thơ. Đi thuyền trên sông Năng ở địa hình các-tơ, điều thú vị nhất là dù đi trong tiết trời mùa hè, ta vẫn có được cảm giác mát rượi của gió sông; được sống trong khung cảnh thanh bình tràn ngập mùi hương của các loài hoa rừng; được nghe âm thanh rộn rã, véo von, trầm bổng của muôn loài chim hót; được ngắm một hệ thực vật vô cùng phong phú, trong đó có những cây trai, đinh, nghiến, lát... hàng trăm năm tuổi.

Thế nhưng từ khi được xác định là khu du lịch có tiềm năng phát triển du lịch chuyên đề quốc gia về du lịch sinh thái hồ kết hợp tham quan tìm hiểu văn hóa bản địa trong giai đoạn 2011 – 2015, thì ngay đầu nguồn của con sông có yếu tố quyết định trong việc điều hòa nước của hồ Ba Bể, dự án thủy điện Sông Năng đang bắt đầu triển khai đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của khu du lịch Ba Bể. Nhiều loài động thực vật sẽ có nguy cơ biến mất và nhiều loại hình du lịch đặc sắc chắc chắn sẽ bị “khai tử” do thuyền không thể đi lại được trên tuyến sông này vì không còn nước.

Những hậu quả của việc xây dựng thủy điện đã hiện hữu ở hồ Ba Bể ngay từ khi thủy điện Tà Làng được xây dựng trên khu vực xã Đồng Phúc. Theo nhiều người dân sống trên khu vực này, sau khi thủy điện Tà Làng được triển khai, lượng đất đá trong quá trình thi công đã làm cho quá trình bồi lấp hồ Ba Bể tăng chóng mặt. Ruộng đồng không có nước tưới tiêu.

Cuộc sống ngày càng trở nên cơ cực. Anh Ma Văn Sinh, thôn Nà Thầu (Đồng Phúc) cho biết, trước đây người dân khu vực này sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Nếu mùa màng không hiệu quả thì ra sông bắt cá về ăn. “Nhưng bây giờ hết rồi, nước tưới ruộng có khi còn không đủ, phù sa bị chặn hết phía trên đập, cá không còn. Được mùa ngô, lúa thì không sao, chứ như hai vụ vừa rồi nhà tôi phải chạy cơm từng bữa, khó lắm các chú à!”, anh Sinh nói thêm.

Theo con đường tỉnh lộ 212, chúng tôi tìm về thôn Nà Nộc, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, nơi đập thủy điện của công trình thủy điện Sông Năng 1 do Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Từ giữa đèo Colia một con đường đất đỏ, dựng đứng chạy men từ đỉnh núi trực chỉ thôn Nà Nộc.

Tiếp tục đi theo con đường đất đỏ chừng hơn 1km là điểm con đập của thủy điện Sông Năng sẽ được hình thành trong nay mai. Căn cứ theo quyết định số 2461/QĐ- UBND do UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành về việc phê duyệt Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thì con đập thủy điện này có chiều cao 37,4 m, khu vực hồ tạo thành rộng hơn 75 ha với lượng nước chứa là 1,68 triệu mét khối; công suất của nhà máy thủy điện này là 6 MW.

Theo báo cáo tác động môi trường của dự án này, chế độ thủy văn của dòng sông Năng sẽ bị thay đổi mạnh, từ chế độ dòng chảy sông chuyển sang chế độ dòng chảy hồ, ngăn cản sự di chuyển của các động vật thủy sinh, tác động đến hệ thống sinh thái trong khu vực…

Tuy nhiên, cũng trong báo cáo này mới chỉ ra trong khu vực sẽ xây dựng thủy điện không có di tích lịch sử nào, còn việc ảnh hưởng đến du lịch, hệ sinh thái của Vườn di sản ASEAN nằm phía hạ lưu cách khu vực đập ngăn nước của dự án thủy điện Sông Năng chưa đầy 20 km vẫn chưa được tính đến.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Nông Đình Khuê, Phó giám đốc vườn quốc gia Ba Bể cho biết, Ban quản lý Vườn không hay biết gì về việc lập dự án xây dựng tại thượng nguồn sông Năng. Cho đến nay, chưa có văn bản chính thức nào của các cơ quan có liên quan gửi về Vườn quốc gia Ba Bể.

Cũng chưa từng có đoàn nào đến để khảo sát đánh giá tác động đến hệ sinh thái của Vườn để xây dựng dự án. “Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu dự án được triển khai sẽ tác động rất lớn đến môi trường và hệ sinh thái của Vườn quốc gia Ba Bể, sẽ làm nghiêm trọng hơn quá trình bồi lấp tại khu vực tiếp giáp giữa sông Năng và hồ Ba Bể.

Đó là chưa kể đến các tuyến, điểm du lịch trên sông đi từ hồ Ba Bể đến các điểm trên sông Năng hiện đang được rất nhiều du khách quan tâm cũng sẽ không thể hoạt động được. Hiện nay, khi con đập của dự án này chưa được xây dựng, việc đi lại của thuyền trên khu vực này cũng đã gặp rất nhiều khó khăn do mực nước không sâu, nếu ngăn nước lại cho thủy điện chắc chắn thuyền bè không thể đi lại được”, ông Khuê chia sẻ thêm.

Tôi cho rằng nếu dự án được triển khai sẽ tác động rất lớn đến môi trường và hệ sinh thái của Vườn quốc gia Ba Bể, sẽ làm nghiêm trọng hơn quá trình bồi lấp tại khu vực tiếp giáp giữa sông Năng và hồ Ba Bể. Đó là chưa kể đến các tuyến, điểm du lịch trên sông đi từ hồ Ba Bể đến các điểm trên sông Năng hiện đang được rất nhiều du khách quan tâm cũng sẽ không thể hoạt động được. (Ông Nông Đình Khuê, Phó giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể)

Tạ Đình Dũng

 

Nguồn: Báo Văn hóa