Quản lý phương tiện thủy nội địa phục vụ du lịch: Địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ

Cập nhật: 26/07/2011
Hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng tàu thuyền ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh.

Tuy nhiên, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương chưa chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng phương tiện không đảm bảo an toàn, không có giấy phép vẫn hoạt động, gây ra những tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Thống kê của Cục Đường thủy nội địa và Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho thấy, hiện cả nước có gần 34.000 tàu thuyền, có 33.788 chiếc đã vào đăng kiểm và phần lớn tham gia chở khách, chỉ 2.112 tàu phục vụ du lịch, trong đó có lưu trú du lịch 172 chiếc, 64 nhà hàng nổi, 1.684 tàu chở khách du lịch theo tiếng... Còn nếu tính tàu chở khách qua sông, bè, thuyền gia đình thì phải hơn 100.000 chiếc.

Cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý các cấp và các địa phương, qui định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan này trong quản lý phương tiện thủy phục vụ du lịch. Các địa phương cần tích cực vào cuộc mạnh mẽ hơn để hoạt động kinh doanh du lịch bằng phương tiện thủy nội địa được an toàn, hiệu quả. (Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn)

Thế nhưng 36/63 Sở VHTTDL khi báo cáo về Tổng cục Du lịch những hoạt động du lịch thủy thì tổng số phương tiện tham gia hoạt động du lịch đường thủy là 11.299 chiếc (lưu trú là 183 chiếc, phương tiện vận chuyển là 11.052 chiếc, nhà hàng nổi là 64 chiếc), đã đăng kiểm là 1.757 chiếc. Tổng số chưa được cấp phép là 9.013 chiếc, chủ yếu là thuyền nhỏ.

Trong khi đó, Tiêu chuẩn Việt Nam về phân loại, xếp hạng tàu, thuyền lưu trú du lịch, vận chuyển du lịch chậm được ban hành. Hiện Bộ GTVT và Bộ VHTTDL đang phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch về đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động du lịch, trong đó có an toàn giao thông trong hoạt động du lịch của các phương tiện tàu, thuyền phục vụ du lịch.

Trong cuộc họp với các cơ quan trực thuộc Bộ VHTTDL và Bộ GTVT vừa qua, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình duyệt Thông tư này vì việc ra đời của Thông tư là giải pháp thiết thực góp phần thúc đẩy tăng trưởng an toàn và bền vững trong du lịch.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn yêu cầu Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ VHTTDL (quản lý chất lượng dịch vụ du lịch và chứng chỉ nghiệp vụ du lịch) đẩy mạnh phối hợp với các Bộ GTVT (cấp phép thiết kế kỹ thuật phương tiện và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp phép bến bãi và cấp phép kinh doanh), Bộ Công thương (cấp phép kinh doanh dịch vụ), Bộ Công an (cấp phép an toàn phòng cháy chữa cháy), Bộ Tài nguyên và Môi trường (cấp phép xử lý chất thải và bảo vệ môi trường), Bộ Y tế và Bộ  Công thương (cấp giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm).

Trên thực tế, trước khi tham gia kinh doanh du lịch, các tàu, thuyền phải đạt đủ các tiêu chuẩn là tàu, thuyền chở khách. Ngành Du lịch chỉ cấp giấy phép cuối cùng về đăng ký kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn nào đó, ngành Du lịch chịu sức ép và sự phán xét của dư luận nhiều nhất chỉ vì khách đi trên tàu, thuyền gặp nạn là khách du lịch.

Dự kiến đến tháng 9, Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) sẽ hoàn thiện và triển khai kế hoạch đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân viên, phục vụ trên tàu thuyền du lịch. Hiện nay, chất lượng đội ngũ nhân viên làm việc trên tàu thuyền du lịch mới ở mức phổ cập, đa phần chỉ đáp ứng về hình thức còn thiếu nhiều lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Hầu hết nhân viên trên tàu, thuyền phục vụ du lịch không có chứng chỉ về sơ cứu y tế. Khả năng cứu hộ khách bằng đuối nước hạn chế. Số lượng thuyền viên và nhân viên phục vụ trên tàu, thuyền hiện mới chỉ đáp ứng định biên cho một ca làm việc (8h/ngày), nhưng trong thực tế họ phải làm việc độc lập, xa đất liền khoảng 25 tiếng liên tục, dẫn đến quá tải, thiếu ngủ, thiếu hẳn lực lượng trực ca 2, ca 3.

Thúy Hà

 

Nguồn: Báo Văn hóa